(HNM) - Khảo sát về cải cách thủ tục thuế, hải quan trong năm 2016 cho thấy, hơn 30% doanh nghiệp phải trả khoản chi phí không chính thức. Điều đó cho thấy, cơ quan thuế - hải quan cần phải tiếp tục cải cách thực chất hơn nữa, không có điểm dừng để trở thành “người đồng hành” với doanh nghiệp, thay vì là “đối tượng quản lý” như trước đây.
Ngành Hải quan tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. |
Nỗ lực cải cách
Với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), thời gian qua, ngành Thuế đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thời gian kê khai, nộp thuế. Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Tổng cục Thuế đã chủ động rà soát, tham khảo đánh giá của một số tổ chức tài chính quốc tế về thời gian kê khai, nộp thuế của DN để xác định số giờ nộp thuế chênh lệch giữa Việt Nam và bình quân 6 nước ASEAN. Trên cơ sở đó, Tổng cục đã cắt giảm thời gian nộp thuế từ 537 giờ/năm (năm 2014) xuống còn 117 giờ/năm (năm 2016). Đồng thời, ngành Thuế đã giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, giảm 4 lần khai và nộp thuế thu nhập DN tạm tính. Đến nay, cơ bản các thủ tục hành chính (TTHC) thuế của DN được thực hiện bằng phương thức điện tử. Hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Tính đến cuối tháng 3-2017, đã có 566.000 DN khai thuế qua mạng, đạt 99% trên tổng số DN đang hoạt động. Số lượng đăng ký nộp thuế điện tử là hơn 555.000 DN, đạt 97%. Tổng cục Thuế đặt mục tiêu, đến hết năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa không quá 110 giờ/năm.
Trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan cũng đã nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trên tất cả các mặt và đạt được kết quả tích cực. Theo Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), từ năm 2014 đến năm 2016, ngành Hải quan đã mở rộng "Cơ chế một cửa quốc gia", với 11/14 bộ, ngành, 37 thủ tục, trên 260.975 bộ hồ sơ và 9.355 DN tham gia. Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành qua đó giảm thời gian, chi phí cho DN, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thành lập 10 địa điểm kiểm tra tập trung tại 8 địa bàn hải quan trọng điểm. Đơn vị cũng triển khai 37 thủ tục liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Với mục tiêu xây dựng môi trường thông quan minh bạch và thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) xây dựng kế hoạch cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN.
Trước những băn khoăn của DN về TTHC thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ yêu cầu ngành Thuế hạn chế phiền hà cho DN. Công tác quản lý thuế sẽ dựa trên đánh giá rủi ro nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ thuế trong quá trình kê khai, nộp thuế. Bộ đã chỉ đạo ngành Thuế rà soát 70 quy trình nghiệp vụ và công khai để người dân, DN giám sát. |
Làm đúng vẫn phải... "bôi trơn"
Tại hội nghị công bố báo cáo đánh giá cải cách hành chính hải quan năm 2016, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 26-4 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: 46% DN đánh giá trong khâu chuẩn bị hồ sơ và khai báo để thực hiện thủ tục thông quan vẫn gặp khó khăn do liên quan tới các quy định hay thay đổi; 16% DN cho biết cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình; 13% DN bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định. Đặc biệt, khảo sát cũng cho thấy vẫn có 31% DN phải trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện TTHC hải quan.
Kết quả DN tham gia khảo sát cho thấy, 83% DN muốn ngành Hải quan tiếp tục đơn giản hóa TTHC hơn nữa; 59% DN muốn được nâng cao chất lượng cung cấp thông tin; 56% DN muốn tăng cường quan hệ đối tác DN - Hải quan. 50% số DN tham gia khảo sát cũng đề xuất ngành Hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và 46% mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về TTHC thuế do VCCI thực hiện trước đó cũng cho thấy, các DN đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ cơ quan thuế, khi nhìn nhận DN là “người đồng hành”, thay vì là “đối tượng quản lý” như trước đây. Song, 53% DN được khảo sát cho biết, họ từng tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong một năm gần đây. Đặc biệt, chi phí "không chính thức” tăng từ 32% năm 2014, lên 34% năm 2016. Báo cáo của VCCI cũng cho biết, dù làm đúng, nhưng DN vẫn phải có khoản “bôi trơn” vì sợ bị bắt bẻ...
Tiếp thu ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng DN, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã nỗ lực cải cách thủ tục theo hướng đơn giản, minh bạch, đồng thời đào tạo, giáo dục công chức nhằm đáp ứng kỳ vọng của DN. Tuy vậy, do sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt dẫn tới DN vẫn có những băn khoăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan. Ông Vũ Ngọc Anh mong muốn, tới đây cộng đồng DN tiếp tục đóng góp tích cực hơn; đồng thời sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật về hải quan theo hướng minh bạch, không chồng chéo nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN.
Với nỗ lực cải cách TTHC thuế, hải quan theo hướng công khai, minh bạch, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng DN nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.