Cách xác định thời điểm nghỉ hưu của công chức năm 2024 được căn cứ theo Điều 9 Nghị định 46/2010/NĐ-CP.
Theo Điều 9 Nghị định 46/2010/NĐ-CP, thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 1-1 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Thời điểm nghỉ hưu được lùi theo một trong các trường hợp sau:
- Không quá 1 tháng đối với một trong các trường hợp: thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị Tòa án tuyên bố mất tích; bản thân và gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn;
- Không quá 3 tháng đối với một trong các trường hợp: bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện;
- Không quá 6 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện.
Công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu thuộc nhiều trường hợp được quy định như trên thì chỉ được thực hiện theo quy định đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức quyết định việc lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp công chức không có nguyện vọng lùi thời điểm nghỉ hưu.
Theo Điều 10 Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thông báo nghỉ hưu như sau:
Thông báo nghỉ hưu
Trước 6 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chuẩn bị người thay thế.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết trước ít nhất 6 tháng và chuẩn bị người thay thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.