(HNM) - Tình trạng nhiễm giun sán ở người có thể gây ra những tác hại đến sức khỏe. Vậy, làm cách nào để nhận biết cơ thể đang bị nhiễm giun sán?
Giun sán là thuật ngữ chỉ về những sinh vật đa bào lớn, mà khi trưởng thành thường có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, sống ký sinh trong cơ thể con người và động vật.
Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện rõ và thường gặp nhất của người bị nhiễm giun sán là đau bụng giun. Vì khi vào cơ thể người, giun thường ký sinh trong ruột - cơ quan tiêu hóa quan trọng của con người để hấp thụ dinh dưỡng.
Đau bụng giun sẽ có những dấu hiệu khác với những cơn đau bụng thông thường. Theo đó, khi một người bị đau bụng giun sẽ bị đau vùng xung quanh rốn kèm theo các dấu hiệu khác như buồn nôn, lợm giọng, càng đói càng đau nhiều hơn. Nếu bị giun đũa xâm nhập nhiều có thể gây ra tình trạng tắc ruột, vô cùng nguy hiểm.
Ở một số người, ngoài cơn đau bụng còn xuất hiện cả một số hiện tượng như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu. Đối với trẻ nhỏ, khi bị đau bụng giun sẽ có thể có triệu chứng tắc ruột, bụng to, ngứa hậu môn…
Để xác định có bị nhiễm giun sán hay không, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và lựa chọn phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Các bác sĩ khuyến cáo, cả người lớn lẫn trẻ em nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, cần ăn chín, uống sôi và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm giun sán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.