Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào thu hút quần chúng, phát triển Đảng ở khu vực nông thôn?

Nhóm PV HNMO| 22/04/2014 08:25

(HNMO) – Sáng 22/4, Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) và Báo Hànộimới phối hợp tổ chức Hội thảo “Công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn”.

áng nay 22/4, Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) và Báo Hànộimới đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn”.

Hội thảo khai mạc lúc 8h15.
Tới dự Hội thảo có Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi; Phó vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Định cùng gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, Hà Nội và các huyện trên địa bàn TP.

Hơn 70 đại biểu đã tham dự hội thảo. Ảnh: Triệu Hoa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán cho biết, việc phát triển Đảng viên mới là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng ta.

Thực tế hơn 80 năm qua, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có hơn 5.000 đảng viên trước khi giành chính quyền, Đảng ta đã phát triển lên hàng triệu đảng viên, với hàng vạn cơ sở đảng, đủ sức lãnh đạo quân và dân ta làm nên những thắng lợi thần kỳ, đánh đổ những đế quốc, thực dân đầu sỏ, hùng mạnh nhất của thế kỷ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán phát biểu đề dẫn, khai mạc hội thảo. Ảnh: Triệu Hoa


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn trong công tác phát triển Đảng, ở không ít địa phương, đơn vị công tác này còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và đang phải đối mặt với không ít khó khăn do sự phát triển của đời sống xã hội. Có nhiều chi, đảng bộ do quá “tuyệt đối hóa” tiêu chuẩn đảng viên hoặc không chăm lo đúng mức đến công tác này nên nhiều năm gần như “đóng cửa Đảng”, cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào, làm cho số đảng viên trẻ trong chi bộ ngày càng ít, tuổi bình quân của đảng viên trong chi bộ ngày càng cao, khả năng triển khai nhiệm vụ chính trị của chi bộ bị ảnh hưởng. Ngược lại, có những nơi lại chạy theo chỉ tiêu, số lượng, ít chú ý đến chất lượng nên sau khi kết nạp, đảng viên mới không thật sự “tỏa sáng”, không thể hiện được là những cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tác phong gương mẫu, được quần chúng tin yêu. Nhiều đảng viên trẻ vẫn chưa phát huy hết vai trò tiền phong, gương mẫu, mới chỉ “làm nền” cho các cuộc hội họp, bỏ phiếu…, thậm chí có người còn mau chóng lụi tàn, bị xóa tên khỏi tổ chức Đảng. Thực tế hiện nay nhiều tổ chức cơ sở đảng không phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, mất sức chiến đấu cũng một phần do kết nạp những đảng viên chưa đủ tiêu chuẩn, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…

Huyện Phúc Thọ nói riêng và các huyện ngoại thành Hà Nội nói chung đang hòa mình trong dòng chảy của công cuộc xây dựng Nông thôn mới, càng đặt ra những yêu cầu cao đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó có công tác xây dựng Đảng, mà một trong những nhiệm vụ cần tập trung là công tác phát triển đảng viên mới. Trên thực tế, công tác này ở khu vực ngoại thành đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phát triển Đảng ở khu vực dân cư, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nguồn và vấn đề tạo nguồn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ to lớn của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi cần phải làm thật tốt công tác này để làm sao Đảng ta thật sự thu hút được những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong các giai cấp và thành phần xã hội khác. Chỉ có kết nạp được những người như vậy, Đảng ta mới có đủ uy tín, năng lực, trí tuệ để lãnh đạo cách mạng.

Về chủ đề của Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các vấn đề sau: Bức tranh chung về tình hình phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn; đánh giá về công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn; Vai trò của cấp ủy và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên trong việc phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn; Đánh giá động cơ phấn đấu vào Đảng của các quần chúng khu vực nông thôn; Công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng và việc vận động, giác ngộ quần chúng vào Đảng ở khu vực nông thôn cũng như việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên mới ở khu vực nông thôn; Tính tiền phong gương mẫu và việc phát huy vai trò đảng viên của đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn; Những khó khăn chủ yếu trong việc phát triển đảng viên mới ở khu vực dân cư nông thôn hiện nay, một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên mới ở khu vực dân cư nông thôn hiện nay…


8h25: Đồng chíĐoàn Tuấn Anh, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Phúc Thọ cho biết, huyện Phúc Thọ hiện có 45 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 22 đảng bộ xã, 01 đảng bộ thị trấn, 06 đảng bộ cơ quan và 16 chi bộ cơ sở. Trực thuộc 29 đảng bộ cơ sở có 352 chi bộ, trong đó có 177 chi bộ thuộc địa bàn dân cư nông thôn. Tổng số đảng viên của toàn đảng bộ huyện hiện nay có 6.695 đồng chí, trong đó đảng viên sinh hoạt ở 177 chi bộ nông thôn có 4.212 đồng chí chiếm 63%. Cơ cấu độ tuổi của đảng viên: từ 18 - 30 tuổi chiếm 12%, từ 31 - 40 tuổi chiếm 20%, 41 - 50 tuổi chiếm 18%, 51 - 60 tuổi chiếm 21%, từ 61 tuổi trở lên chiếm 28%, tuổi bình quân đảng viên 45,8 tuổi.

Về cơ cấu giới tính, nữ giới có 85 đảng viên, chiếm 40%; tỷ lệ chung là 384/634 đảng viên, bằng 61%; có 164 đảng viên là đoàn viên, chiếm 76%, tỷ lệ chung là 399/634 đảng viên, bằng 63%.

Về trình độ học vấn: THCS có 19 đảng viên (9%); tỷ lệ chung là 19/634 đảng viên, chiếm 3%; THPT có 195 đảng viên (91%), tỷ lệ chung là 615/634 đảng viên, chiếm 97%.

- Về trình độ chuyên môn: Trung cấp có 60 đảng viên (28%), tỷ lệ chung là 168/634 đảng viên, chiếm 26%; Cao đẳng có 18 đảng viên (8%), tỷ lệ chung là 112/634 đảng viên, chiếm 18%; Đại học là 21 đảng viên (10%), tỷ lệ chung là 202/634 đảng viên, chiếm 32%; Chưa đào tạo là 116 đảng viên (54%), tỷ lệ chung là 152/634 đảng viên, chiếm 24%.

Đồng chí Đoàn Tuấn Anh: Năm 2013, huyện Phúc Thọ kết nạp 218 đảng viên, đạt 121% kế hoạch.

Về nghề nghiệp: Làm ruộng là nghề nghiệp chính có 138 đảng viên (64%), trong số này có 24 đảng viên là bộ đội xuất ngũ (chiếm 11% với 215 đảng viên); 54 đảng viên làm nông nghiệp thuần tuý (chiếm 25%); 60 đảng viên làm nông nghiệp đồng thời tham gia một trong các vị trí trưởng, phó đoàn thể, trưởng, phó thôn, công an viên, đại biểu HĐND xã (chiếm 28%).

Đáng chú ý, trong 3 năm 2011 – 2013, Đảng bộ Huyện ủy Phúc Thọ đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới do Thành ủy giao. Cụ thể năm 2011 kết nạp 225 đảng viên, đạt 125% kế hoạch ; năm 2012 kết nạp 191 đảng viên, đạt 106% kế hoạch; năm 2013 kết nạp 218 đảng viên, đạt 121% kế hoạch. Như vậy, trong 3 năm Huyện đã kết nạp 634 đảng viên mới, bình quân kết nạp được 212 đảng viên mới một năm, đạt tỷ lệ 3,2% trên tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện. Trong 634 đảng viên kết nạp mới, có 215 đảng viên (chiếm 34%) ở khu vực nông thôn và thuộc một trong các thành phần: trực tiếp sản xuất nông nghiệp, làm trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kinh doanh hộ gia đình là nghề nghiệp chính hoặc sinh viên tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm tạm thời ở nhà tham gia lao động nông nghiệp.

Hiếm thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn

Đề cập đến công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, từ thực tiễn địa phương, đồng chí Đỗ Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa cho biết, nguồn để phát triển Đảng ở các chi bộ nông thôn chủ yếu là lực lượng đoàn viên thanh niên, nhưng số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng lại rất hiếm. Nguyên nhân là một bộ phận lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục thi và học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, một số ít thì đi học nghề, một số khác đi làm ăn ở xa ít khi ở địa phương hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một số ít thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương dưới các hình thức nông trại, vườn trại, kinh tế hộ gia đình thì chủ yếu tập trung vào làm giàu, không quan tâm đến chính trị, không thiết tha vào Đảng, có người ngại vào Đảng, có người băn khoăn trước một số vấn đề yếu kém trong Đảng nên không muốn vào Đảng.

Theo đồng chí Thành, để khắc phục những tồn tại trên, cần giải quyết tốt vấn đề nhận thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đối với đoàn viên thanh niên trong xã.

Đồng chí Đỗ Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa, phát biểu tham luận.


Đảng ủy phải xác định công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên mới ở nông thôn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hàng năm, Đảng ủy ban hành Nghị quyết, xây chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, nhất là các Đoàn viên Thanh niên, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, trọng tâm là đoàn Thanh niên, phát động các phong trào để tìm và chọn lựa các cá nhân, các đoàn viên thanh niên tiêu biểu để giáo dục, định hướng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đồng thời, có biện pháp phòng, chống các luồng tư tưởng gây ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng của quần chúng, giúp cho nhân dân nhận rõ về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

“Muốn công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn đạt kết quả tốt thì yếu tố then chốt, quyết định là phải tập trung đào tạo, phát triển nguồn. Nguồn ở đây chủ yếu là những đoàn viên, thanh niên đã học xong các trường trở về công tác tại địa phương là nguồn nhân lực có chất lượng, trí tuệ, nhận thức tốt. Cần nắm chắc danh sách và các thông tin cần thiết đối với từng đối tượng để có giải pháp tiếp cận, tuyên truyền về Đảng và việc gia nhập Đảng đến họ”, đồng chí Thành nói.

Làm rõ thêm vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng

Vê việc vận động, giác ngộ quần chúng ở khu vực nông thôn vào Đảng, đồng chí Kiều Trí Dần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thọ Lộc cũng có chung nhận xét, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển đảng viên, giới thiệu các quần chúng ưu tú vào Đảng của các chi bộ thôn còn hạn chế là do chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, giác ngộ quần chúng để họ phấn đấu vào Đảng, đặc biệt là thanh niên.

Đồng chí Kiều Trí Dần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thọ Lộc, phát biểu tham luận

Theo đồng chí Dần, ngoài lý do về làn sóng ly nông, ly hương mạnh mẽ, một số cấp ủy chi bộ thôn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, thiếu tính chủ động, chưa khắc phục khó khăn để vận động giáo dục rèn luyện quần chúng. Vai trò tiên phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Các tổ chức đoàn thể, chưa có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, dẫn đến việc tập hợp, thu hút đoàn viên không cao. Một số đồng chí cán bộ, đảng viên chưa có cách thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp, nên một bộ phận quần chúng chưa hiểu hết được những công lao to lớn và lý tưởng cao cả của Đảng…..

Để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, vận động giác ngộ quần chúng vào Đảng, đồng chí Dần cho rằng, song song với nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển Ðảng ở các thôn, Đảng ủy, chính quyền xã cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế địa phương nhằm thu hút con em trong xã về công tác tại địa phương sau khi học xong các trường chuyên nghiệp hoặc tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; đưa cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao sau khi đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa nhằm nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí.

Có một số ít chưa xác định được động cơ vào Đảng đúng đắn

Đánh giá động cơ phấn đấu vào Đảng của các quần chúng khu vực nông thôn, đồng chí Khuất Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Phúc Thọ cho biết, qua điều tra, khảo sát (bằng phiếu điều tra và viết bài thu hoạch) tại Trung tâm về việc xác định động cơ vào Đảng của học viên tại Trung tâm, hầu hết học viên đều xác định động cơ vào Đảng đúng đắn, nhưng cũng có một số ít chưa xác định được cho mình một động cơ vào Đảng đúng đắn, với những lý do như: “Vào Đảng để có cơ hội tìm được việc làm”, “Vào Đảng để có cơ hội phát triển”, “ Vào Đảng để tới đây em có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo”…


Đồng chí Khuất Thị Mai: Có một số ít chưa xác định được cho mình một động cơ vào Đảng đúng đắn

“Nếu vào Đảng là một cơ hội để tiến thân về mặt danh lợi, hay vào Đảng mà lại không biết để phải làm gì thì thật buồn, thật đáng phải suy nghĩ. Bởi vì, họ đã không nhận thức được cái cao cả, thiêng liêng về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không cảm được cái hương thơm vĩnh cửu được tỏa ra từ niềm tin, tình yêu đối với Đảng của những đảng viên chân chính, để rồi thay vào đó bằng những suy nghĩ, tính toán vụ lợi, giản đơn thì thật là tầm thường và hoàn toàn xa lạ với bản chất đạo đức, văn minh của Đảng ta. Cho nên, trả lời đúng câu hỏi “Vào Đảng để làm gì?”, thiết nghĩ đó là một câu hỏi mà mỗi người, mỗi quần chúng (đặc biệt là khu vực nông thôn) khi muốn gia nhập Đảng, mỗi chi bộ khi kết nạp đảng viên cần phải trả lời cho chuẩn xác. Bởi vì, nếu trả lời sai câu hỏi này chính là một trong những nguồn gốc dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng”, đồng chí Mai nói.

Đồng chí Mai cũng đề xuất, để khắc phục những bất cập và hạn chế nêu trên, ngoài nâng cao nhận thức cho mỗi quần chúng trước khi được giới thiệu cho Đảng, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tạo môi trường tốt cho quần chúng, đoàn viên, thanh niên rèn luyện và thể hiện bản thân là điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nguồn cho Đảng. Các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là tổ chức đoàn cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng và tạo môi trường tốt cho quần chúng, đoàn viên, thanh niên rèn luyện, phấn đấu trưởng thành; tham gia các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tham gia phát triển kinh tế- xã hội. Thông qua những hoạt động đó để quần chúng, đoàn viên, thanh niên khẳng định vị trí, vai trò của mình, góp phần tạo động lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện để trưởng thành hơn.

Mạnh dạn giao những khâu yếu, việc khó cho thanh niên

Đề cao vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Thường vụ Thành đoàn, quyền Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ cho rằng, Đoàn Thanh niên tham gia công tác xây dựng Đảng vừa là tất yếu khách quan theo yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, vừa là nhiệm vụ tự thân của Đoàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, quyền Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ.


Để phát huy vai trò của Đoàn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, thời gian tới, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trong toàn huyện cần tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy các cấp công tác phát triển Đảng, tăng cường thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ năng lực về khu vực nông thôn, địa bàn khó khăn để xây dựng nông thôn thành khu vực sản xuất hàng hóa quan trọng, có sức hút lớn về kinh tế và việc làm; tạo mọi điều kiện để các đảng viên trẻ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, xung kích, sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ đất nước và làm giàu cho quê hương; tham mưu với cấp ủy, mạnh dạn giao những khâu yếu, việc khó, ở những địa bàn khó khăn phức tạp, trọng điểm để thử thách bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của đội ngũ đoàn viên ưu tú, đối tượng Ðảng… Trên cơ sở chỉ tiêu của Huyện ủy giao cho các tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức Đoàn cần nghiên cứu để giao chỉ tiêu trong Đoàn, phấn đấu số đảng viên được kết nạp mới trong độ tuổi đoàn chiếm từ 70 – 80% số đảng viên mới được kết nạp hàng năm.

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến cũng nhất trí, tổ chức Đoàn phải tiên phong hơn nữa trong việc tìm kiếm các giải pháp để hướng cho thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình, đây là cách làm hiệu quả nhằm phát triển đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn. Thông qua phát triển kinh tế góp phần hạn chế làn sóng ly hương, ly nông đang ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn. Tập trung tạo dựng các nguồn lực để chăm lo bồi dưỡng giúp đỡ thiết thực cho thanh niên trong học tập, lập thân, lập nghiệp, từ đó đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của thanh niên…

Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.


12 năm liền không kết nạp được đảng viên

Chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai trò của Đảng ủy và Chi bộ dân cư trong phát triển Đảng viên mới ở khu vực nông thôn, đồng chí Vũ Thị Trường, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Đình, Huyện Phúc Thọ cho biết, trong những nhiệm kỳ trước, công tác phát triển Đảng của xã gặp rất nhiều khó khăn, thường chỉ đạt 25% nghị quyết đề ra, có những chi bộ 12 năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Trước tình hình đó, sau khi BCH Đảng bộ xã được kiện toàn, BCH Đảng bộ đã nghiêm túc xem xét, bàn bạc các giải pháp khắc phục những yếu kém trong công tác phát triển Đảng, từ đó xây dựng nghị quyết lãnh, đạo chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên mới. 

Đồng chí Vũ Thị Trường, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Đình, Huyện Phúc Thọ


Ngay từ đầu năm, trên cơ sở thông báo giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới của Huyện ủy Phúc Thọ, Đảng uỷ xã Cẩm Đình đã chủ động ra nghị quyết lãnh đạo công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên mới nói riêng, quán triệt tới từng chi bộ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để kiểm tra đôn đốc các chi bộ tổ chức thực hiện, họp giao ban thường kỳ. Hàng tháng, các đảng viên được phân công giúp đỡ quần chúng báo cáo với chi bộ về nhận thức và động cơ phấn đấu của quần chúng mình được phân công theo dõi giúp đỡ, khi thấy quần chúng đủ điều kiện vào Đảng thì làm hồ sơ kết nạp. Nhờ đó, 3 năm qua toàn Đảng bộ xã đã kết nạp được 22 đảng viên, vượt chỉ tiêu Huyện giao. Riêng chi bộ 12 năm liền không kết nạp được đảng viên, trong 3 năm qua đã kết nạp được 4 đảng viên mới.

“Để làm tốt công tác phát triển Đảng, các cấp uỷ đảng và các chi bộ phải chủ động, sáng tạo, luôn tìm cách làm mới vừa phù hợp với quy trình kết nạp đảng viên, nhưng vừa thể hiện sự linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy”, đồng chí Trường nói.

Đảng viên mới còn rụt rè, thiếu tự tin

Là người có 8 năm kinh nghiệm hoạt động ở khu dân cư, đồng chí Khuất Văn Thuấn, Bí thư Chi bộ 7, Đảng ủy Thị trấn Phúc Thọ chia sẻ, qua thực tiễn cho thấy, nhìn chung đảng viên mới là lực lượng trẻ, xung kích sống có hoài bão, có lý tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đi đầu và sẵn sàng tiến công vào những cái mới, khó khăn thử thách và luôn muốn khẳng định mình.

Tuy nhiên, đảng viên mới còn có những hạn chế đó là: còn rụt rè, thiếu tự tin vào khả năng của mình hoặc tinh thần xây dựng tổ chức chưa cao nên ít phát biểu trong sinh hoạt Đảng, thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo hoặc triển khai nhiệm vụ, trình độ lý luận chính trị còn hạn chế, tính tình dễ nóng nảy, dễ chủ quan.

Đồng chí Khuất Văn Thuấn, Bí thư Chi bộ 7, Đảng ủy Thị trấn Phúc Thọ

“Thấy rõ được những ưu điểm và hạn chế của đảng viên mới chi bộ chúng tôi đã mạnh dạn phân công giao nhiệm vụ cho đảng viên mới những nhiệm vụ phù hợp để họ có cơ hội rèn luyện như: Phòng chống các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự trong khu dân cư, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu qủa cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, vận động thanh niên tránh xa các tai tệ nạn xã hội; giáo dục thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng sống có lý tưởng và trách nhiệm với xã hội, phân công phụ trách các hộ trong ngõ xóm và khu dân cư”, đồng chí Thuấn nói.

Đặc biệt, trong công tác dồn điền đổi thửa, chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách tuyên truyền vận động 10 hộ gia đình để tích cực tham gia công tác dồn diền đổi thửa, yêu cầu hàng tháng, hàng quý báo cáo kết quả với chi uỷ chi bộ để cho ý kiến bổ xung và giúp đỡ, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ địa phương.

Đời sống người dân còn khó khăn, việc tính toán thiệt hơn ảnh hưởng ít nhiều đến quyết tâm phấn đấu

Tiếp tục phân tích nhưng khó khăn chủ yếu trong việc phát triển đảng viên mới ở nông thôn hiện nay, đồng chí Cao Xuân Miễn, Bí thư Chi bộ thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ cho biết, đời sống người dân còn khó khăn, việc tính toán thiệt hơn và xác định động cơ vào Đảng không đúng đắn ảnh hưởng ít nhiều đến quyết tâm phấn đấu vào Đảng của không ít người. Một bộ phận thanh niên hoặc nông dân chỉ chú tâm vào làm ăn kinh tế, không có điều kiện, thời gian quan tâm đến chính trị, đến việc phấn đấu vào Đảng.

Tại nhiều địa phương, thậm chí có những người còn băn khoăn vấn đề kinh phí đóng đảng phí, việc phải bỏ thời gian để họp hành, sinh hoạt Đảng, việc đảng viên phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, phải chấp nhận hy sinh lợi ích so với người khác... Nhiều người còn e dè, thiếu tự tin trong quá trình tìm hiểu về Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên. Nhiều phụ nữ, nông dân vẫn nhận thức Đảng là một tổ chức cao vời vợi, mình khó có thể phấn đấu để trở thành đảng viên, một bộ phận phụ nữ khác lại gặp những rào cản tâm lý rằng sau khi lấy chồng phải chú tâm gánh vác công việc gia đình, tập trung làm tốt thiên chức của người phụ nữ, nên họ không còn động lực phấn đấu.

Đồng chí Cao Xuân Miễn, Bí thư Chi bộ thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc


Ngoài ra, môi trường hoạt động của thanh niên khu vực dân cư nông thôn chưa thực sự phong phú, hấp dẫn và phù hợp nên chưa thu hút được thanh niên tham gia hoạt động dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và tạo nguồn kết nạp đảng viên mới.

Một nguyên nhân cũng được ông Miễn nêu ra là tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, bệnh quan liêu, tham nhũng, xã rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm mất lòng tin, không xứng đáng là tấm gương sáng cho nhân dân học tập noi gương, không còn sức hấp dẫn đối với tuổi trẻ.

Tạo việc làm để thanh niên “ly nông, bất ly hương"

Để nâng cao hiệu quả công tác kết nạp đảng viên mới ở khu vực dân cư nông thôn hiện nay, theo đồng chí Nguyễn Đình Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ, trước hết, các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là chi bộ khu vực dân cư phải xác định công tác kết nạp đảng viên mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần có cách làm mới cho phù hợp với tình hình để từ đó quan tâm chi đạo thực hiện nghiêm túc và coi đây là chỉ tiêu thi đua chính để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy và tập thể chi, đảng bộ. Việc kết nạp đảng viên mới phải thực hiện đúng phương châm, phương hướng và nguyên tắc kết nạp đảng, trong đó phương châm là coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, nguyên tắc là chỉ kết nạp quần chúng thực sự ưu tú, đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác để người đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng trong công tác và đời sống hàng ngày.

Đồng chí Nguyễn Đình Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ


Đồng thời, chú trọng các giải pháp tạo nguồn và coi đây là yếu tố cần tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với cách làm mới, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay. Ngoài nguồn chủ yếu hiện nay là thanh niên địa phương sau khi kết thúc học về sinh hoạt tại địa bàn, cần chú ý mở rộng đối tượng là bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, nông dân có nhiều thành tích, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Muốn vậy cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội LHPN và Hội Nông dân, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi nhận thức cho các hội viên về Đảng và việc gia nhập Đảng.

Huyện, thành phố và trung ương cần đề ra chủ trương, chính sách và các giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ về phát triển các khu vực, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống nhân dân, tạo cơ hội để thanh niên có thể phát triển kinh tế ổn định, bền vững ngay tại địa phương thông qua các mô hình trang trại, nông trại, vườn trại, ngành nghề truyền thống để thanh niên có điều kiện “ly nông bất ly hương”; thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ năng lực về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để sớm xây dựng nông thôn thành khu vực sản xuất hàng hóa quan trọng, có sức hút lớn về kinh tế và việc làm.

Đặc biệt quan tâm lãnh đạo Đoàn thanh niên, tạo mọi điều kiện để thanh niên có môi trường hoạt động thiết thực, và hiệu quả, qua đó tạo sân chơi bổ ích và thu hút hoạt động của thanh niên nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng cho đội ngũ thanh niên, xây dựng các phong trào để phát hiện và tạo nguồn kết nạp đảng viên mới…


Từ những ý kiến tham luận của các đại biểu Huyện Phúc Thọ, đồng chí Nguyễn Gia Hiển, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Đan Phượng cho rằng, đây là những kinh nghiệm rất cụ thể, sát thực. Huyện Đan Phượng cũng rất quan tâm đến việc phát triển đảng viên mới, luôn gắn liền công tác này với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Các ban xây dựng đảng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới; kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết, chỉ tiêu phát triển đảng…

Tuy nhiên, đồng chí Hiển cũng thừa nhận, việc quán triệt các văn bản, quy định của Trung ương, địa phương tới cơ sở chưa sâu sắc nên có nơi, nhận thức về quy định, quy trình kết nạp Đảng còn hạn chế; có cấp ủy chưa thực sự chú trọng và tập trung thực hiện công tác phát triển đảng, phân công đảng viên theo dõi quần chúng; việc tham mưu phối hợp giữa các cơ sở, đoàn thể tham gia công tác phát triển đảng chưa chặt chẽ.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng chí Hiển cho biết, Huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh việc quán triệt các văn bản, nghị quyết của đảng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với từng cán bộ, đảng viên; tăng cường vai trò của các ban tham mưu, đôn đốc các đoàn thể tham gia giới thiệu nguồn cho công tác phát triển đảng…

Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức TƯ chia sẻ một số khó khăn trong phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn là thiếu hụt về “nguồn” khi các thanh niên đủ điều kiện phần lớn đi học tại các trường CĐ - ĐH hoặc đi làm ăn xa. Những thanh niên ở lại thường không đủ điều kiện kết nạp. Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức Đoàn ở vùng nông thôn cũng còn nhiều hạn chế. Có những vùng dân cư, tổ dân phố ngay ở Hà Nội không thành lập nổi chi đoàn vì không đủ đoàn viên.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên có vai trò hết sức quan trọng, mang tính sống còn vì thể hiện sức sống của Đảng, sức mạnh của Đảng, tính kế thừa và phát triển của Đảng mà nếu làm không tốt thì có thể nói hệ lụy, hậu quả không thể lường hết được.

Những năm qua, thành phố luôn đạt và vượt chỉ tiêu về kết nạp Đảng hàng năm, nhưng tỷ lệ đảng viên ở các cơ quan, trường học, DN chiếm tỷ lệ cao trong khi ở khu vực nông thôn là còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ đảng viên ở khu vực này, chất lượng cũng có vấn đề. Tình trạng già hóa ở các chi bộ, đảng bộ, địa bàn dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn ngày càng rõ

Những vấn đề trên không chỉ gặp riêng ở Phúc Thọ mà còn là vấn đề chung của các Đảng bộ nông thôn ở Hà Nội. Do đó, những ý kiến, tham luận được đưa ra tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực với công tác xây dựng Đảng nói chung ở khu vực nông thôn hiện nay.

Đồng chí Hồ Quang Lợi đề nghị các đại biểu dự Hội thảo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác phát triển Đảng viên mới, mà ở đây trực tiếp là phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn. Đồng tình với ý kiến làm tốt công tác giao chỉ tiêu và kiểm tra, đôn đốc để thực hiện bằng được chỉ tiêu đã nêu ra.

Chúng ta phải chú trọng công tác tuyên tuyền, giới thiệu về đảng, bản chất, mục đích, lý tưởng vẻ vang của ĐCSVN, giáo dục lý tưởng, lẽ sống cho đoàn viên, thanh niên bằng các hình thức thích hợp, không đơn thần bằng các lớp học chính trị, các buổi hội họp mà phải thông qua các hoạt động của phong trào thanh niên; thực sự giáo dục cho thanh niên động cơ vào Đảng đúng đắn.

Công tác tạo nguồn, phát huy vai trò các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội mà trước hết phải là các tổ chức đoàn viên, thanh niên và mở rộng sang các đối tượng khác như quần chúng ưu tú đang sinh hoạt trong hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…; Phải nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên để tạo niềm tin, sự trân trọng cần thiết đối với đoàn viên thanh niên và quần chúng ngoài Đảng để họ phấn đấu noi theo; Chú trọng việc tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế để thu hút giữ chân thanh niên ở địa phương.

“Chúng ta vừa bảo đảm thực hiện thật tốt chỉ tiêu đảng viên, nhưng thật sự chú trọng chất lượng. Với những đối tượng chưa thực sự bảo đảm tiêu chí, chất lượng cứ để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu” – Đồng chí nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào thu hút quần chúng, phát triển Đảng ở khu vực nông thôn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.