(HNM) - Nhiều người đã biết đến một Hà Nội xưa với gốm sứ Bát Tràng, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xã, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ... thì sau khi mở rộng địa giới hành chính (thêm Hà Tây cũ, vùng đất được mệnh danh là
Sản xuất gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Trung Kiên |
Hiệu quả từ làng nghề...
Không thể phủ nhận tác dụng của làng nghề trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển từ lao động giản đơn, năng suất thấp sang lao động có kỹ năng, năng suất cao, từ đó mang lại thu nhập cao hơn những làng không có nghề, lại tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Ngoài những hộ gia đình, đã có nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) tư nhân kinh doanh thành đạt. Nhiều vùng quê đã trở nên trù phú, đường làng, lối xóm sạch sẽ, nhà cửa khang trang, cuộc sống lành mạnh, tệ nạn xã hội hầu như không có.
Đất Thăng Long xưa là nơi tụ hội nhiều nghệ nhân, thợ giỏi của vùng châu thổ sông Hồng về lập nghiệp, chế tác ra nhiều sản phẩm tinh hoa phục vụ nhu cầu của triều đình và người dân. Nhiều sản phẩm được truyền từ đời này sang đời khác. Hà Nội cũng có nét đặc sắc riêng về các phường nghề- nơi người thợ thủ công, các nghệ nhân nổi tiếng khắp nơi tụ hội được lưu giữ cho đến ngày nay. Truyền thống văn hóa còn ẩn chứa trong mỗi sản phẩm được lưu truyền bằng bàn tay, khối óc tinh hoa, sáng tạo của mỗi nghệ nhân. Các nghệ nhân đã lưu giữ, sáng tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) tinh hoa mang đậm bản sắc của mỗi làng, dấu ấn tiêu biểu của mỗi nghệ nhân. Ngày nay, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đang cùng các họa sĩ, nhà thiết kế tiếp tục phát huy vốn cổ, thiết kế mẫu mã mới phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước... Những giá trị kinh tế, văn hóa của làng nghề Hà Nội đã tạo nên loại hình du lịch làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; vừa thăm làng nghề, vừa tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và dự lễ hội. Thu nhập của cư dân làng nghề từ đó cũng tăng đáng kể...
Giải pháp để bảo tồn và phát triển
Giá trị kinh tế - văn hóa của làng nghề Hà Nội cần được đánh giá đầy đủ và phát huy mạnh mẽ để xứng đáng với Thủ đô nghìn năm tuổi khi bước sang một thời kỳ phát triển mới và để Hà Nội tiên phong cho cả nước trong công cuộc phát triển làng nghề, phố nghề. Hiện nay, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn trong phát triển, như vốn, thị trường, mặt bằng… và nhất là môi trường đang bị ô nhiễm nặng. Truyền thống có nguy cơ mai một, mẫu mã sản phẩm nghèo, phố nghề biến dạng, nghệ nhân không được chăm lo chu đáo.
Để khắc phục những hạn chế đó, ngoài sự nỗ lực của các làng nghề, phố nghề Hà Nội, các làng nghề rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các ngành chức năng thông qua những chương trình bảo tồn, khuyến công và xây dựng hạ tầng cơ sở cho làng nghề. Trước hết, Hà Nội cần phối hợp với các ngành chức năng điều tra, khảo sát toàn diện về thực trạng làng nghề, phố nghề để nắm được những điểm mạnh, yếu, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đến tình hình quản lý, đời sống người lao động, nghệ nhân… qua đó có những giải pháp bảo tồn và phát triển. Đồng thời, rà soát lại việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề. Những năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn được ban hành. Song trên thực tế, kết quả việc thực thi còn hạn chế; nhiều khó khăn, vướng mắc của làng nghề chậm được giải quyết, dẫn đến tiềm năng to lớn của làng nghề, phố nghề chưa được phát huy đúng mức.
Thành phố cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã, tiếp cận vốn, nâng cao trình độ quản lý, quan tâm bồi dưỡng nghệ nhân, xử lý ô nhiễm môi trường, cải cách thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho DN làng nghề phát triển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tôn vinh truyền thống làng nghề; quy hoạch, tổ chức lại hệ thống làng nghề, cơ cấu lại các nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh gắn với chủ trương "Mỗi làng một nghề". Xây dựng bảo tàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, làm nơi lưu giữ những sản phẩm có giá trị, các hiện vật, công cụ sản xuất truyền thống nhằm tôn vinh, giáo dục truyền thống. Thành lập trung tâm nghiên cứu về sản phẩm TCMN và làng nghề như gốm sứ, mây tre đan, dệt lụa, đồ gỗ mỹ nghệ… Xây dựng một số điểm giới thiệu sản phẩm TCMN kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; bình chọn các sản phẩm tiêu biểu, xác định làng nghề truyền thống, tôn vinh danh hiệu nghệ nhân...
Sự quan tâm của Hà Nội và các ngành chức năng sẽ góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD trong năm 2010, đồng thời trở thành ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.