Xã hội

Cách nào ngăn người vi phạm nồng độ cồn trốn phạt?

Nhóm phóng viên 03/08/2023 - 06:44

Tình trạng người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẵn sàng bỏ lại phương tiện có giá trị thấp hơn so với mức phạt đã xuất hiện từ lâu. Hành vi này không chỉ gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ mà còn làm quá tải các điểm trông giữ phương tiện vi phạm. Đây là vấn đề cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, hiệu quả.

tron-phat.jpg
Phương tiện vi phạm lưu giữ tại bãi giữ xe của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hà Cầu - Thăng Long (quận Hà Đông). Ảnh: Ngân Thùy

“Bỏ của chạy lấy người”

Ngày 22-7-2023, anh Nguyễn Ngọc Huy (quận Bắc Từ Liêm) cùng bạn bè rủ nhau uống bia. Khi ra về, đến đoạn chân cầu Long Biên, anh Huy bị chốt trực của Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) dừng xe, yêu cầu kiểm tra, lập biên bản vi phạm nồng độ cồn. Xin bỏ qua không được, anh Huy cho biết nếu không vay đủ tiền nộp phạt, anh sẽ chấp nhận bỏ lại xe, vì tiền phạt còn cao hơn giá trị xe.

Tối thứ bảy, 29-7, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn ở ngã ba phố Hàng Khoai - đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng xe mô tô BKS 52 Z9-0121 để kiểm tra, nhưng chủ xe từ chối hợp tác và bỏ đi. Trước đó, đêm 15-6, Tổ công tác liên ngành Y10/141 làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao đường Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn phát hiện lái xe P.C.D (sinh năm 1984, trú tại Thanh Xuân) vi phạm nồng độ cồn. Lái xe P.C.D cũng không hợp tác, bỏ lại phương tiện.

Cơ quan chức năng cho biết, các bãi trông giữ xe vi phạm ở quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, Long Biên... đều đang quá tải do không có chủ xe đến giải quyết. Một nhân viên bảo vệ tại điểm trông giữ phương tiện vi phạm thuộc Xí nghiệp 5, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tuy không có thống kê riêng biệt các lỗi vi phạm nhưng phần lớn các xe bị tạm giữ liên quan đến nồng độ cồn, vì ngoài mức phạt cao thì hình thức phạt bổ sung tạm giữ xe là biện pháp nhằm ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi người tham gia giao thông có hơi men.

Từ ngày 1-7 đến 1-8-2023, Đội Cảnh sát giao thông số 1 xử lý 237 trường hợp (trong đó có 4 ô tô; 232 mô tô, xe máy; 1 phương tiện khác); phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng; tạm giữ 237 phương tiện; tước giấy phép lái xe 98 trường hợp. Trên địa bàn toàn thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 37.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (hơn 4.000 ô tô, hơn 33.000 mô tô và hơn 250 phương tiện khác), phạt tiền gần 200 tỷ đồng, tước gần 20.000 giấy phép lái xe.

Chờ giải pháp công nghệ

Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hà Cầu - Thăng Long Nguyễn Văn Thốn cho biết, bãi giữ xe vi phạm của đơn vị đang có số lượng 5.500 xe máy, trong đó số lượng xe ở bãi từ năm 2019 đến 2021 là 2.000 xe, từ năm 2021 đến 2023 là 3.500 xe. Ngoài các xe bị tạm giữ từ 7 đến 10 ngày chờ lái xe đến làm thủ tục nhận lại thì còn có các xe liên quan đến việc người điều khiển vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn nên quy trình xử lý lâu hơn, có thể đến vài tháng. Nhiều trường hợp bỏ lại xe vì mức phạt cũng như chi phí lưu giữ kho bãi cao hơn nhiều giá trị xe. Điều này dẫn đến thực trạng, xe vi phạm vào bãi nhiều nhưng số lượng xe ra khỏi bãi ít.

Phó Giám đốc Xí nghiệp 5 (Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) Nguyễn Đức Lộc cho biết, điểm trông giữ xe Mỹ Đình tiếp nhận phương tiện vi phạm từ các Đội Cảnh sát giao thông số 3, 6, 11, Công an quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và hầu như ngày nào cũng có phương tiện vi phạm được đưa vào bãi. Lượng xe tồn đọng dài ngày không thấy ai đến làm thủ tục nhận lại phần nhiều là xe của người vi phạm nồng độ cồn, do mức phạt tương đương hoặc cao hơn giá trị xe.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc áp dụng các mức phạt nghiêm khắc khi xử lý vi phạm an toàn giao thông liên quan đến nồng độ cồn còn có những thông tư, hướng dẫn liên quan đến việc chậm nộp phạt vi phạm hành chính sẽ bị tính thêm lãi 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Tuy nhiên, quy định này chưa mấy phát huy tác dụng đối với những người cố tình bỏ lại xe vi phạm.

Thiếu tá Phạm Văn Luyến - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 11 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm bỏ xe là để không bị tước giấy phép lái xe. Điều này gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ngay từ khi lập biên bản vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp công nghệ trong quản lý giấy phép lái xe cùng các giấy tờ liên quan khác bằng cách tích hợp vào căn cước công dân điện tử. Khi đó, cảnh sát giao thông chỉ cần tra cứu trên dữ liệu dân cư để có đầy đủ thông tin của người vi phạm, áp dụng các biện pháp tước bằng lái xe trên hệ thống hoặc cưỡng chế nộp phạt. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng bỏ xe sau khi vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách nào ngăn người vi phạm nồng độ cồn trốn phạt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.