Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào hút khách?

An Nhi| 10/11/2017 06:51

(HNM) - Nhắc đến du lịch cộng đồng người ta hay hình dung về những mô hình du lịch ở vùng sâu, vùng xa hay miền núi, hải đảo - nơi có những điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội khác biệt mà du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm.

Nhiều mô hình tiềm năng

Các mô hình du lịch cộng đồng thường hướng vào nét đặc sắc văn hóa bản địa và cảnh quan tự nhiên của vùng, đồng thời thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào công tác tổ chức, vận hành, quản lý. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần bảo tồn nét văn hóa, điều kiện tự nhiên địa phương mà còn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Du khách tham gia du lịch cộng đồng để thoả mãn mong muốn khám phá nét văn hóa, sinh hoạt của những cộng đồng khác lạ. Vì vậy, mỗi địa phương cần tìm ra nét riêng có, đặc sắc, hấp dẫn để tập trung phát huy thế mạnh.

Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh). Ảnh: Thành Công



Theo Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, nguyên Phó Trưởng khoa Du lịch - Viện Đại học Mở Hà Nội, bất cứ xã, phường, thôn, xóm nào ở Thủ đô cũng có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ví dụ, ở nội thành, khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) với những phố nghề đặc sắc, hấp dẫn người muốn tìm hiểu về đời sống cư dân thành thị Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Tại các phường Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng của quận Tây Hồ, nhiều hộ vẫn làm nghề truyền thống là trồng đào, quất, cây cảnh... Khu vực ven hồ Tây, những đầm sen ngát hương, những thung lũng hoa muôn sắc luôn là địa chỉ lôi cuốn du khách.

Các vùng đất ở ngoại thành

Hà Nội cũng sở hữu nhiều tài nguyên để phát triển du lịch cộng đồng. Như tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh có làng múa rối nước dân gian Đào Thục; xã Cổ Đô, huyện Ba Vì có làng họa sĩ; xã Kim Chung, huyện Hoài Đức có làng nhiếp ảnh Lai Xá; xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên nổi tiếng với làng may comple, veston Từ Thuận… Ngay cả những địa phương thuần nông ở Hà Nội cũng có thể trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. “Hoạt động đồng áng như cày ruộng, gặt lúa hay xay thóc với người bản địa là công việc bình thường nhưng du khách, nhất là người nước ngoài lại cảm thấy lạ lẫm, thích thú và muốn được trải nghiệm”, Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh nhận định.

Tuy vậy, để các mô hình du lịch cộng đồng phát triển, cần xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn thiện, bao gồm: ăn, nghỉ, tham quan, tìm hiểu kiến thức, thực hành. Với hệ thống giao thông thuận tiện, từ nội thành hoặc sân bay đến các điểm du lịch tiềm năng không quá trăm kilômét, du lịch cộng đồng là lựa chọn của nhiều du khách nước ngoài khi đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trang bị đầy đủ kiến thức làm du lịch

Nhìn thấy tiềm năng là một chuyện nhưng để biến những tiềm năng ấy thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Thủ đô thì các địa phương cần bổ sung nhiều yếu tố, đặc biệt là kiến thức về làm du lịch cho từng người dân. Trong du lịch cộng đồng, người dân là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với du khách. Nếu họ chưa được đào tạo kiến thức cơ bản thì có thể sẽ không làm hài lòng khách hoặc để lại ấn tượng xấu, khiến khách không quay lại.

Ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng Phường múa rối nước dân gian Đào Thục thừa nhận: “Các nghệ nhân của Phường múa rối nước dân gian Đào Thục đều là người dân trong làng. Những ngày nông nhàn, họ cùng nhau đi tập, mẹ kéo con theo, chị dẫn em đi, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia giữ nghề. Thực tế, người dân Đào Thục cũng đã tham gia vào việc đón tiếp khách du lịch. Tuy nhiên, mỗi khi lượng khách đông hoặc có nhu cầu khác như tham quan, nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng, thì người dân dễ bị động, lúng túng do chưa có kỹ năng phục vụ, ứng xử phù hợp”.

Chính vì vậy, gần đây, Sở Du lịch Hà Nội liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển loại hình giàu tiềm năng này. Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh đặt vấn đề: “Ở trung tâm Hà Nội cũng có múa rối nước, tranh vẽ, có các cửa hàng may đo comple..., vậy tại sao du khách lại tìm đến làng Đào Thục, Cổ Đô hay Từ Thuận? Đó là vì họ muốn đến nơi khởi nguồn các giá trị văn hóa, để được tương tác với những người làm ra chúng, tìm hiểu cuộc sống của nghệ nhân, nghệ sĩ và khám phá đời sống cộng đồng. Vì thế người dân càng phải biết cách tương tác, chiều ý khách, đem đến cho khách những trải nghiệm vui vẻ”.

Những vấn đề được các chuyên gia lưu ý trong làm du lịch cộng đồng là xây dựng cảnh quan môi trường sạch sẽ, an toàn, thuận lợi để du khách trải nghiệm; cung cấp đầy đủ các dịch vụ (ăn uống, nghỉ ngơi, y tế…); thái độ phục vụ niềm nở, thân thiện, chân thành; có đồ lưu niệm đặc trưng…

Sau khi tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, ông Lưu Văn Long (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức) chia sẻ: “Những kiến thức được cung cấp trong buổi học rất bổ ích với mỗi người dân. Hiện nay, quê tôi không còn ruộng canh tác, người dân thiếu kế sinh nhai. Vì vậy, phát triển du lịch sẽ mở ra cơ hội mới cho chúng tôi”.

Tuy nhiên, muốn làm du lịch cộng đồng thành công phải có thời gian dài để người dân học tập, rút kinh nghiệm và tổ chức mô hình phù hợp với chính cộng đồng mình. Đặc biệt, phát triển loại hình này còn cần nhiều sự quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện của các cấp, ngành địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào hút khách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.