(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải rà soát lại hệ thống giáo trình, báo cáo Bộ trước ngày 1-10-2013
Theo Bộ GD-ĐT, công tác chỉ đạo biên soạn, lựa chọn giáo trình phục vụ đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để tổ chức thực hiện theo quy định. Bộ yêu cầu các trường cần ưu tiên bố trí kinh phí, tổ chức biên soạn, lựa chọn giáo trình, mua bản quyền nước ngoài, dịch và in trong nước, phối hợp với các trường cùng khối ngành, các khoa cùng nhóm ngành tổ chức biên soạn giáo trình dùng chung, để tất cả các môn học trong chương trình đào tạo đều có đủ giáo trình. Mục tiêu là đến năm 2015, các chương trình đào tạo tại các trường đều có đủ giáo trình.
Xây dựng giáo trình trong các trường ĐH, CĐ để đạt được hiệu quả cao cần có thời gian và phương hướng cụ thể với từng trường. Ảnh: Hải Anh |
Theo quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình ĐH, chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình các môn học của chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ phải có chức danh GS, PGS hoặc trình độ tiến sĩ về chuyên ngành. Đối với trình độ CĐ, trong trường hợp không có tiến sĩ cùng chuyên ngành thì chủ biên hoặc đồng chủ biên tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ. Tác giả giáo trình được hưởng các chế độ nhuận bút, bản quyền tác giả theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nhưng trên thực tế, không phải trường nào cũng đủ điều kiện để thực hiện đúng quy định. Một trong những trở ngại được các trường nhắc tới nhiều nhất là nguồn lực tài chính không cho phép đơn vị tổ chức biên soạn. Với các trường mới thành lập, nguồn nhân lực hạn chế cũng là khó khăn rất lớn. Bên cạnh đó, phương thức đào tạo theo hình thức tín chỉ chưa ổn định cũng là trở ngại lớn trong quá trình biên soạn giáo trình.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi Nguyễn Văn Nhã, có nhiều khó khăn mà các trường vấp phải trong biên soạn giáo trình. Trước tiên là không phải giảng viên nào cũng có khả năng biên soạn giáo trình, kinh phí dành cho viết giáo trình lại quá thấp nên không tạo được động lực cho người viết. Ngoài ra, nhiều thầy giỏi không muốn viết giáo trình vì sợ bị "lộ bài". Có thầy lại quan niệm giáo dục ĐH, CĐ không phải phổ thông cấp IV nên không học với giáo trình mà chỉ sử dụng sách tham khảo.
Mỗi trường một hướng
Trước những trở ngại nói trên, nhiều trường đã không xác định nhất thiết phải biên soạn giáo trình, thay vào đó đặt ra yêu cầu thấp hơn như biên soạn bài giảng, tài liệu học tập hoặc chọn cách sử dụng giáo trình của các trường khác. Theo ông Nguyễn Văn Nhã, chỉ các trường đầu ngành mới nên tổ chức biên soạn giáo trình, còn các trường khác nên lựa chọn cách tiết kiệm và khoa học hơn là chọn giáo trình chuẩn, có chất lượng để mua hoặc trao đổi. Tuy nhiên, việc này cũng không phải đơn giản do giáo trình trường này biên soạn có thể không phù hợp với trình độ của sinh viên trường kia. Còn nếu chủ trương tự biên soạn giáo trình thì Bộ GD-ĐT nên có quy định chung, cụ thể và Bộ Tài chính điều chỉnh mức thù lao cho tác giả viết giáo trình cho phù hợp thực tế.
Còn với Trường ĐH FPT, Hiệu trưởng Lê Trường Tùng cho biết: Trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhà trường không chủ trương tự biên soạn giáo trình bởi việc này tốn kém mà chất lượng khó có thể bằng giáo trình mà các trường ĐH nổi tiếng thế giới đang dùng. Với định hướng quốc tế, giáo trình phải được viết bằng tiếng Anh để sinh viên và giảng viên nước ngoài có thể sử dụng được, nhưng việc thuê chuyên gia Việt Nam soạn giáo trình bằng tiếng Anh là không khả thi. Một trong những phương án được nhà trường lựa chọn hiện nay là nhập khẩu giáo trình từ nhiều trường ĐH có uy tín trên thế giới để nhanh chóng có được giáo trình tốt. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có nguồn tài chính dồi dào và biết chọn giáo trình phù hợp.
Dù không phủ nhận ưu thế của việc nhập khẩu giáo trình, song nhiều chuyên gia e ngại rằng, liệu giáo viên có dạy được theo chương trình đó, có hiểu được triết lý của việc xây dựng chương trình hay không. Ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, các trường nên nghiên cứu chương trình của nước ngoài để tìm hiểu vì sao họ làm như vậy, từ đó xây dựng chương trình cho mình bởi mỗi chương trình đều có triết lý riêng, thống nhất với chuẩn đầu ra cũng như định hướng mục tiêu đào tạo thực tế. Chính trong quá trình đó, với tư cách người xây dựng chương trình, giáo trình và cũng là người giảng dạy, giảng viên sẽ chủ động nội dung nên hay không nên đưa vào chương trình.
Những quan điểm riêng của mỗi cơ sở đào tạo về việc xây dựng giáo trình đem đến kết quả thế nào chỉ có thể đong đếm bằng chất lượng đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.