(HNM) - Hà Nội có trên 4 triệu nông dân, chiếm 65% dân số toàn thành phố. Mỗi năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố thường mở hàng nghìn lớp dạy nghề, tập huấn về khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, dạy nghề như thế nào để đạt hiệu quả cao vẫn là bài toán đang cần lời giải.
"Trải thảm đỏ" vẫn không có người học
Kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân huyện Chương Mỹ gieo trồng đỗ tương năng suất cao. Ảnh: Nguyệt Ánh
"Trải thảm đỏ" vẫn không có người học là câu chuyện có thật diễn ra mới đây tại một huyện thuộc ngoại thành Hà Nội. Lớp do huyện tổ chức nhằm đào tạo nghề cho nông dân và con em nông dân, đặc biệt là những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo thông báo, học viên vào học sẽ được miễn mọi khoản đóng góp như học phí, sách vở, nước uống và được hỗ trợ thêm 10 ngàn đồng/ngày để "động viên tinh thần". Mặc dù vậy, sau cả tháng "chiêu sinh" chỉ có 4 học viên đăng ký học. Số học viên quá ít, không đủ để mở một lớp nên việc học nghề đành gác lại. Cũng cách đây không lâu, tại xã Minh Khai huyện Từ Liêm, một DN sản xuất hàng may mặc phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức mở lớp đào tạo nghề may cho nông dân. Trong thời gian học nghề, học viên được hỗ trợ ăn trưa và phụ cấp một khoản tiền để chi tiêu sinh hoạt. DN cũng cam kết sau 3 tháng học nghề, học viên sẽ được tuyển dụng vào làm việc ngay tại DN với mức lương tối thiểu hơn 1 triệu đồng/tháng. Tưởng như với những thông tin tuyển dụng hấp dẫn đó, sẽ có rất nhiều đơn đăng ký theo học. Nhưng thật bất ngờ, sau cả tháng thông tin được truyền đi, DN không nhận được bất kỳ một hồ sơ theo học nào. Đó chỉ là một trong số hàng trăm các lớp nghề mở ra nhưng không thu hút được người học, hoặc học rồi nhưng nghề không phát huy được hiệu quả ở Hà Nội hiện nay.
Dạy nghề nào nông dân cầnÔng Nguyễn Công Dinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân (Hội Nông dân Hà Nội) cho rằng, nông dân rất cần nghề, tuy nhiên, dạy nghề như thế nào để hấp dẫn nông dân và để phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân còn quá nhiều điều đáng bàn. Tại các xã Lam Điền, Thụy Hương và Trần Phú (huyện Chương Mỹ) nông dân đang được tiếp cận với một phương pháp học nghề mới, đó là học nghề theo lối "cầm tay chỉ việc". Đây là lớp học về trồng rau an toàn, mỗi lớp học có 30 học viên, thời gian học kéo dài trong 3 tháng. Điều đặc biệt của lớp học là ngoài học lý thuyết, thời gian chính của học viên là học thực hành ngoài đồng ruộng theo chu kỳ sinh trưởng của cây rau. Giáo viên dạy lý thuyết là giảng viên của Trường Đại học Nông nghiệp I, còn giáo viên dạy thực hành là nông dân. Chỉ khác, họ là những nông dân đã qua đào tạo, bản thân họ là những người đang trực tiếp sản xuất hiệu quả tại địa phương. Từ kinh nghiệm bản thân, họ hướng dẫn tỉ mỉ cho các hộ nông dân mới bắt tay vào sản xuất. Bà Phan Thị Tâm, sinh hoạt tại Hội Nông dân xã Thụy Hương cho biết, học nghề theo cách này, nông dân chúng tôi dễ tiếp thu, nhớ lâu, rút kinh nghiệm qua từng ngày, tuần và vụ... Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, bà Tống Thị Hằng đánh giá, đây là một chương trình dạy nghề mang lại hiệu quả hơn rất nhiều lần cách dạy nghề truyền thống. Đặc thù của người nông dân là họ "học lỏm" rất nhanh, những kiến thức mang tính chất "kinh điển" về khoa học kỹ thuật họ rất khó tiếp thu, khó học và khó nhớ. Song nếu học theo kiểu "cầm tay chỉ việc" thì ai cũng hiểu và làm theo một cách dễ dàng.
Không giống với mô hình "nông dân dạy nông dân" của huyện Chương Mỹ, ở huyện Từ Liêm lại có một cách làm linh động và hiệu quả là dạy cái nông dân đang cần. Từ thực tế tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, các xã Mỹ Đình, Mễ Trì, Trung Văn, Cổ Nhuế... nông dân đã nhanh chóng bắt nhịp phát triển thêm các nghề dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cho thuê nhà trọ. Tuy vậy, tâm lý của hầu hết nông dân vẫn là tự phát, còn việc quản lý như thế nào thì họ lại không có phương pháp. Trên cơ sở đó, Huyện hội đã mở lớp tập huấn cho nông dân về hạch toán kinh doanh để làm thế nào cho có lãi và công tác an ninh bảo đảm. Việc dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế nên đã thu hút được đông đảo nông dân quan tâm, đến nay đã có 17 lớp được mở ra với mỗi lớp thu hút 50-60 nông dân. Còn tại các xã có lợi thế về trồng trọt, như Phú Diễn, Minh Khai... huyện mời giáo viên của Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu rau quả trung ương về chuyển giao KHKT thông qua các buổi tọa đàm, hội nghị đầu bờ thu hút hơn 120 nông dân tham dự.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Ủy viên BCH Hội Nông dân Việt Nam nhận định, hình thức dạy nghề tại chỗ là một cách dạy nghề giúp người nông dân nhanh chóng có nghề mà chi phí đào tạo thấp. Những nghề học ngắn hạn có thể dạy ngay tại trụ sở UBND xã, trường học, hay tại nhà dân, như các nghề nuôi ếch, nuôi chồn, nuôi dế, nuôi lươn, nuôi cá, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật trồng cây cảnh... Thực tế cho thấy, đã có nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ những nghề học trong thời gian ngắn. Điều quan trọng không phải là cứ đưa nghề đến cho nông dân là xong, mà cần xem xét nông dân cần nghề gì.