Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng "rộng tay" cho con các khoản tiền tiêu vặt, ăn sáng. Và không ít HS đã "đốt tiền" vào việc sắm sửa quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi… Có cách nào để trị "căn bệnh" nghiện mua sắm này không?
Em Nguyễn Trà My (HS lớp 10D, Trường PTDL Nguyễn Siêu):
- Mỗi tháng, em được bố mẹ cho khoảng 500.000 đồng, chưa kể các khoản khéo léo xin từ anh, chị, họ hàng. Tuy vậy, em vẫn thấy số tiền này… chẳng thấm vào đâu. Thi thoảng, em phải nhịn ăn sáng vì chỉ đủ tiền để mua dụng cụ học tập và túi xách. Em có một bộ sưu tập khoảng vài chục loại bút bi, bút chì, thước kẻ kiểu dáng rất dễ thương, độc đáo và khoảng 5 - 6 chiếc túi xách, ba lô các kiểu. Mỗi khi tan học, em lại đến các cửa hàng lưu niệm ở gần trường để xem đồ. Lâu lâu không mua sắm thêm đồ lặt vặt là em cảm thấy… bứt rứt. Khá đông bạn nữ cùng lớp cũng mắc "căn bệnh" nghiện mua sắm như em, có bạn thì thích mua dây chun buộc tóc, quần áo, lại có bạn thích mua đồ mỹ phẩm, sưu tập băng đĩa nhạc. Các bạn nam thì "mê mẩn" các loại giày, quần áo thể thao.
Em Trần Ngọc Minh (Lớp 9G, Trường THCS Gia Thụy):
- Bố mẹ em khá nghiêm khắc trong việc chi tiêu tiền của con cái nên em thường ăn sáng tại nhà và được mẹ đưa cho khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Số tiền này, em chỉ giữ để đóng quỹ lớp hoặc đề phòng sự cố hỏng xe giữa đường. Em hiểu rằng để kiếm được vài trăm nghìn đồng đối với những người lao động như bố mẹ em không hề đơn giản. Do đó, em thấy rất xót xa khi chứng kiến nhiều bạn sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua chiếc túi xách đi học, hay một chiếc áo sơ mi. Theo em, "căn bệnh" nghiện mua sắm này xuất phát từ những bạn HS quen được nuông chiều và không ý thức được giá trị của đồng tiền cũng như công sức lao động vất vả của cha mẹ.
Chú Hoàng Đức Nhã (Chung cư Ngọc Thụy):
- Bố mẹ nào cũng thương yêu con và muốn dành cho con điều kiện vật chất tốt nhất. Nhiều người lại có suy nghĩ nên cho con những khoản tiền tiêu vặt, ăn sáng rủng rỉnh. Tuy nhiên, đây chính là cách làm hại con bởi trẻ chưa có khả năng làm ra đồng tiền nên sẽ không biết trân trọng giá trị của chúng. Việc được bố mẹ chu cấp quá nhiều dễ khiến các em tiêu tiền một cách vô bổ vào chuyện mua sắm… Quen tiêu nhiều tiền nên đến khi bị cắt giảm chi tiêu hay phát sinh nhiều nhu cầu mua sắm, các em sẽ không ngần ngại nói dối phụ huynh hoặc xin xỏ họ hàng, người quen. Nếu quá bí bách, nhiều em còn nảy sinh ý định ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè… Do đó, cha mẹ nên chủ động bàn bạc với trẻ về định mức chi tiêu dựa theo độ tuổi, nhu cầu của trẻ... Tốt nhất là mỗi khi đưa tiền cho con, cha mẹ nên hỏi xem trẻ định dùng số tiền đó để làm gì và giúp chúng lên kế hoạch chi tiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.