(HNMO) - 5.400 tỷ đồng/năm sẽ là số tiền mà các chủ sử dụng lao động có thể đưa vào tái sản xuất phát triển doanh nghiệp. Con số đó nếu Chính phủ chấp nhận đề xuất của Bộ LĐ-TBXH giảm tỷ lệ đóng vào hai quỹ BHTN và quỹ TNLĐ&BNN từ 1% xuống còn 0,5%.
Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là vấn đề lâu nay rất được Chính phủ quan tâm (Ảnh minh họa.) |
Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là vấn đề lâu nay rất được Chính phủ quan tâm. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành không ít quyết sách giải quyết vấn đề này trong đó có việc giao cho Bộ LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Qua rà soát, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất giảm tỷ lệ đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ&BNN) từ 1% xuống 0,5%. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất hoan nghênh đề xuất này và cho rằng đó sẽ là cách hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và trình Chính phủ phương án cụ thể.
Thực ra, chuyện đóng các loại quỹ đang được cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét theo hướng giảm để tạo điều kiện cho họ cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài thời hội nhập. Được biết, theo quy định hiện hành thì tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm trích theo lương của người lao động là 32,5% gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chưa tính kinh phí công đoàn 2%. Trong đó doanh nghiệp đóng 22% và người lao động đóng 10,5%.
Tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chiếm 1% do chủ sử dụng lao động đóng. Quỹ này dùng để trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật, phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động... Tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 2%, trong đó chủ sử dụng lao động 1% và người lao động 1%, Nhà nước hỗ trợ duy trì số dư quỹ hàng năm. Quỹ dùng chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo Bộ LĐ-TBXH, căn cứ để giảm tỷ lệ đóng cho 2 quỹ trên là do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay có nguồn kết dư lớn, hiện tổng số kết dư quỹ này là gần 49.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.400 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.
Như vậy, với tốc độ tăng thu-chi như giai đoạn vừa qua, nếu không có nội dung tăng chi đột biến thì việc giảm 0,5% tỷ lệ đóng trong một vài năm tới quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo cân đối thu-chi. Nếu giảm 0,5% tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ BHTN thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 2400 tỷ đồng/năm.
Còn quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức chi cao nhất là 11% quỹ. Riêng năm 2015, mức chi của quỹ này chỉ khoảng 8%. Nếu tăng chi đột biến trong những năm tới cũng sẽ không gây xáo trộn trong cân đối quỹ. Nếu giảm 0,5% tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 3.000 tỷ đồng/năm; nếu so với số chi của những năm trước thì tỷ lệ chi-thu cũng chỉ tăng lên khoảng 20%.
Tóm lại, với mức đề xuất giảm như trên, Bộ LĐ-TBXH cho biết, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ giảm 5.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ tăng thu-chi như giai đoạn vừa qua và kết dư của quỹ đến thời điểm hiện tại thì việc giảm tỷ lệ đóng như đề xuất nêu trên trong một vài năm tới, các quỹ này vẫn đảm bảo khả năng chi trả.
Cũng theo Bộ LĐ-TBXH, về lộ trình, khoảng 2-3 năm tới, doanh nghiệp được giảm mức đóng như đề xuất. Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu quy định tỷ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực và thay đổi linh hoạt tùy vào độ rủi ro, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ căn cứ khả năng cân đối quỹ để quy định tỷ lệ đóng từng thời kỳ.
Tuy đề xuất trên chưa gọi là lớn nhưng qua đó, Chính phủ đang thực sự thể hiện hành động xây dựng một Chính phủ kiến tạo, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Để việc giảm đóng quỹ lâu dài, Chính phủ sẽ còn phải nhiều quyết sách đồng bộ trong quản lý an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như tạo nhiều việc làm để giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.