Nếu biết trước phải lái xe đường dài thì nên ngủ cho đủ giờ (từ 6-8 giờ) trước khi lái. Đặc biệt tránh thức khuya, uống rượu bia hay ăn no trước khi cầm lái bởi đó là những yếu tố dễ gây buồn ngủ trong quá trình lái xe.
Cách đây 3 ngày, một vụ tai nạn thương tâm nữa xảy ra do lái xe buồn ngủ khi chạy xe đường dài. Cụ thể, khoảng 6h sáng 21/7, xe Ford Everest 7 chỗ do tài xế Trần Xuân Đông (36 tuổi) lái trên tuyến Quốc lộ 1A, theo hướng Nam - Bắc. Đến thị trấn Núi Thành (đối diện ga Núi Thành, Quảng Nam) chiếc xe lao lên vỉa hè, húc đổ hàng rào, một xe đạp trước khi đâm vào quán ăn. Lúc này, 8 thành viên trong một gia đình vừa từ taxi Mai Linh bước vào quán ăn, chờ người thân đến đón về xã Tam Quang, huyện Núi Thành dự đám cưới. 7 người đã bị xe "điên" húc thiệt mạng, trong đó có 6 em nhỏ từ 10 đến 13 tuổi.
Tài xế chiếc xe "hung thần" là Trần Xuân Đông cho biết đã cầm lái chạy từ ngã ba Phú Tài (tỉnh Bình Định) về Quảng Nam, do đường dài nên buồn ngủ, không làm chủ được tay lái gây tai nạn thương tâm.
Thực tế cho thấy, việc lái xe trong tình trạng buồn ngủ là cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới những tai nạn thảm khốc như kể trên. Vì vậy việc cần nhớ đầu tiên là không bao giờ bạn được đánh đổi việc tiết kiệm thời gian để có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình và nhiều người khác.
Cần ngủ đủ trước khi lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài
Trong những trường hợp bất khả kháng, lái xe đường dài có thể lựa chọn một hoặc nhiều biện pháp dưới đây:
1 - Nếu biết trước phải lái xe đường dài thì nên ngủ cho đủ giờ (từ 6-8 giờ) trước khi lái. Đặc biệt tránh thức khuya, uống rượu bia hay ăn no trước khi cầm lái bởi đó là những yếu tố dễ gây buồn ngủ trong quá trình lái xe. Không sử dụng các loại thuốc cảm cúm, dị ứng khi lái xe vì chúng cũng thường gây cảm giác buồn ngủ cho người dùng.
2 - Không lái xe liên tục quá 4 giờ bởi khi đó não bộ đã làm việc quá sức, cơ thể không còn khả năng tập trung. Khi lái xe đường dài thường cần có ít nhất 2 người thay phiên nhau lái. Sau 2 tiếng chạy xe liên tục, tài xế nên dừng và xuống xe, vận động cơ thể chừng 10-15 phút lấy lại sự tỉnh táo, rồi mới tiếp tục lái.
3 - Nên tạo lịch trình lái và nghỉ ngơi rõ ràng trước khi đi. Tránh lái xe vào các giờ "cao điểm" của các cơn buồn ngủ như giữa trưa hoặc nửa đêm. Đây là những thời điểm mà đa số các biện pháp tác động tránh buồn ngủ đều phát huy tác động thấp nhất. Nên tranh thủ lái xe vào những thời điểm tỉnh táo nhất.
4 - Nếu đang lái xe, chặng đường phải đi còn dài mà cơn buồn ngủ ập tới thì cách tốt nhất là chọn chỗ an toàn để ngủ, thời gian có thể từ 15-30 phút, thậm chí 1 giờ tuỳ theo điều kiện cho phép. Nhiều lái xe cho biết họ chỉ cần ngủ 5 phút là đã có hiệu quả rất rõ rệt, có thể lái xe thêm một vài giờ mà không thấy buồn ngủ nữa. Bạn có thể có giấc ngủ ngắn hữu ích này ngay trên xe khi tấp xe vào lề đường, hé cửa kính và để chuông báo thức qua điện thoại di động.
5 - Trước và trong quá trình lái xe, bạn có thể uống trà đặc, cà phê đặc, nước tăng lực hoặc kẹo cao su, kẹo cay...Tuy nhiên, với một số ít người có phản ứng nhạy thì các biện pháp này khá hiệu quả nhưng với đa số còn lại khẳng định những liệu pháp này chỉ có tác dụng trong một quãng đường ngắn. Tương tự là các biện pháp ăn hoa quả chua, nước rửa mặt, bật đài to và tiết tấu sôi động, tránh nhạc trữ tình du dương; trò chuyện với người cùng đi...
6 - Một số trường hợp lái xe khá tỉnh táo khi rửa mặt bằng khăn lạnh và rửa chân. Vì thế, bạn có thể chuẩn bị một thùng đá kèm khăn lạnh và nước trước khi đi đường xa.
7 - Tuyệt đối không nên lái tiếp khi ý thức được mình buồn ngủ qua biểu hiện như lái chệch làn đường, suýt đâm vào chướng ngại vật, cảm giác khó tập trung...
8 - Một số lái xe cho biết họ có thể chống buồn ngủ hiệu quả với thiết bị chống ngủ gật. Khi người sử dụng sản phẩm gật đầu về phía trước khoảng 15-30 độ, thiết bị sẽ rung động và phát ra âm thanh thật to để đánh thức người dùng. Tuy nhiên một số bác sỹ cho biết sử dụng thiết bị này có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi người cần ngủ khoảng 6-8 giờ để ngủ mỗi ngày. Việc trấn áp cơn buồn ngủ bằng thuốc hay bất cứ thiết bị nào, kể cả các thiết bị tạo âm thanh, đều không tốt cho sức khỏe, từ việc làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể đến mệt mỏi, giảm tập trung và có thể ảnh hưởng tới trí nhớ, hoảng loạn và hoang tưởng... Ngay cả những tình huống bắt buộc phải sử dụng thuốc chống buồn ngủ (thuốc kích thích thần kinh) cũng phải uống theo đơn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.