Năm nay, các dòng bánh trung thu trên thị trường rất đa dạng, phong phú từ mẫu mã, hương vị đến bao bì sản phẩm. Thế nhưng, điều người tiêu dùng băn khoăn là làm thế nào để lựa chọn các loại bánh bảo đảm an toàn, chất lượng?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.
- Qua kiểm tra, ông có đánh giá gì về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu năm nay?
- Dịp Tết Trung thu năm nay, thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra chuyên ngành do các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Công thương và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phụ trách. Theo đó, đoàn kiểm tra của từng sở, ngành sẽ kiểm tra các vấn đề riêng theo lĩnh vực được phân cấp quản lý. Đối với ngành Y tế Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu tại các khách sạn.
Cụ thể, chúng tôi tập trung kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị; kiểm tra nguồn nguyên liệu; quy trình sản xuất, bảo quản bánh và hồ sơ pháp lý. Qua kiểm tra các khách sạn trong những tuần qua, chúng tôi nhận thấy, các khách sạn đã nghiêm túc chấp hành các quy trình, quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất bánh trung thu. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đều đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, nguyên liệu được đưa vào sản xuất bánh đã chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Khách sạn cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề sản xuất bánh trung thu… Tuy nhiên, có nơi, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã nhắc nhở việc cần thay thế một số giá, kệ, mặt sàn khu vực sản xuất đã xuống cấp. Đồng thời, hướng dẫn khách sạn thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm và tăng cường khâu vệ sinh khu chế biến, kho và tủ lạnh bảo quản thực phẩm.
- Xin ông cho biết, bánh trung thu an toàn, bảo đảm chất lượng phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí gì?
- Những loại bánh chính hãng sẽ công khai thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… trên nhãn mác để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Trong khi những loại bánh trôi nổi, không nguồn gốc lại giấu những thông tin quan trọng nhất về thành phần nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng… Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Một lưu ý nữa là sản phẩm bánh trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép, thì an toàn với sức khỏe; nếu sử dụng phải loại bánh có chứa chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm, thì vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng không nên mua và ăn những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công khai bảng nguyên liệu thành phần, tiêu chuẩn chất lượng.
- Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý những gì khi mua và sử dụng bánh trung thu, thưa ông?
- Khi mua bánh, người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá. Cụ thể là quan sát sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Ngoài ra, bảo quản và sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên nhãn mác. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định ghi trên nhãn mác của nhà sản xuất. Người tiêu dùng chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.