(HNM) - Năm 2022, giá và năng suất rau xanh các loại trên địa bàn Hà Nội luôn giữ ổn định, thậm chí có nhiều thời điểm nông dân bán được giá rất cao. Bước sang năm 2023, các vùng chuyên canh rau của Hà Nội đang tiếp tục có hy vọng bội thu...
Hơn 5 sào rau cải ngọt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đang cho thu hoạch. Vụ này, cải ngọt phát triển đồng đều, bảo đảm năng suất, chất lượng, lại thu hoạch đúng thời điểm, được giá nên ông Tuấn rất phấn khởi. “Hiện nay, giá bán rau cải ngọt tại ruộng đạt 7.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ tháng trước 3.000 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn vui vì có lãi. Trừ các chi phí, nông dân thu lãi 10-15 triệu đồng/sào/lứa. Trong năm 2022, gia đình tôi trồng 4 lứa rau, chưa có lứa nào bị sụt giá”, ông Nguyễn Văn Tuấn vui mừng nói.
Tương tự, bà Đàm Thị Huệ cùng ở thôn Đông Cao chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi, rau màu phát triển rất tốt, không mất nhiều công sức chăm sóc, giảm chi phí phân bón, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và bán lại được giá. Từ đầu năm đến nay, lứa rau nào của gia đình bà Huệ cũng cho lãi cao, giá bán cải dưa tại ruộng thời điểm này là 12.000-15.000 đồng/kg...
Theo Giám đốc Hợp tác xã Đông Cao Đàm Văn Đua, nhờ giá cả ổn định, nông dân Đông Cao chuẩn bị khép lại một niên vụ thắng lớn cả về diện tích, năng suất, chất lượng, giá cả... Vụ Tết này, các loại rau ngắn ngày cũng như củ cải phát triển khá thuận. Bên cạnh đó, nhờ nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nên năng suất tăng khoảng 3-4 tạ/ha so với năm trước, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường, không xảy ra tình trạng khan hiếm rau và gây sốt giá vào dịp Tết; nông dân có lãi. Đặc biệt, 2022 là một năm địa phương không có tình trạng “giải cứu” củ cải như những năm trước đó.
Chung niềm vui, chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết, năm 2022, các vùng trồng rau của xã đều phát triển, ít sâu bệnh, năng suất ước tăng gấp 2-3 lần so với năm 2021 và giá rau xanh luôn ở mức cao trong vài tháng trở lại đây khiến người trồng rau thêm phấn chấn...
Tại huyện Chương Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ, năng suất rau an toàn của Hợp tác xã đạt trên 70 tấn/ha/năm. Năm 2022, mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao song rau xanh các loại đều được mùa, được giá nên nông dân yên tâm sản xuất.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, Hà Nội chưa có đợt nào rau xanh bị dư thừa cục bộ hoặc giá rẻ, tạo tâm lý phấn khởi cho người sản xuất rau màu nói chung và rau an toàn nói riêng. Đặc biệt, tại vụ đông xuân này, giá rau xanh trên địa bàn thành phố tăng mạnh ngay từ các vùng sản xuất đến chợ dân sinh và được đánh giá là đắt nhất từ đầu năm trở lại đây. Khác với quy luật mọi năm, vụ đông xuân năm nay là thời điểm rau xanh các loại không chỉ tươi ngon, phong phú về chủng loại mà giá ổn định do nguồn cung dồi dào...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, toàn thành phố hiện có 5.451,8ha rau an toàn chuyên canh. Riêng vụ đông xuân, toàn thành phố hiện có khoảng 13.000ha rau màu phục vụ Tết, sản lượng ước đạt trên 250.000 tấn. Các loại rau gieo trồng phổ biến phục vụ dịp Tết Nguyên đán là dưa, hành lá, ớt, gừng, bắp cải, cà chua, khoai các loại...
Để hỗ trợ người trồng rau màu trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, như sử dụng nhà lưới và màng phủ trong sản xuất nông nghiệp..., qua đó giúp nông dân canh tác thuận lợi, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo người trồng rau màu nên cân đối từng loại, phù hợp thị trường, theo mùa; cần xuống giống những loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán để dễ dàng xuất bán. Người trồng rau màu cũng nên lưu ý tránh tình trạng thu hoạch một loại liên tục, dễ gây ùn ứ, cung vượt cầu. Ngoài ra, nông dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng để tiêu thụ thuận lợi; nên sử dụng giống rau phù hợp chất đất, khai thác lợi thế các loại rau màu thế mạnh của địa phương gắn với chuỗi tiêu thụ để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.