(HNM) - Sau khi phê duyệt và công bố, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được trưng bày tại Cung Quy hoạch quốc gia (Mễ Trì - Từ Liêm) để đông đảo nhân dân Thủ đô tham quan.
Phát triển ba thị trấn thành đô thị sinh thái
Mô hình Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tại Cung Quy hoạch quốc gia. Ảnh: Nhật Nam
Bên cạnh đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện có như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Phát triển các thị trấn huyện lỵ trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của các huyện, đầu mối về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, sản xuất của TP. Dự báo, đến năm 2020 các thị trấn có dân số khoảng 0,2 triệu người; đất xây dựng đô thị 3.400-3.500ha, chỉ tiêu 95m2/người. Đến năm 2030, dân số khoảng 0,23-0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 4.100-4.300ha. Ba thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn phát triển thành các đô thị sinh thái.
Khu vực nông thôn sẽ hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, hạn chế lấy đất nông nghiệp để xây dựng mới; đưa khu sản xuất làng nghề tập trung ra ngoài làng xóm để giảm thiểu ô nhiễm. Nhà ở nông thôn khuyến khích phát triển giá trị kiến trúc, bảo tồn không gian làng xóm truyền thống.
Nội đô: Khống chế khoảng 30 vạn sinh viên
Về hệ thống giáo dục, định hướng cơ bản của đồ án quy hoạch là phân bố, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên; đồng thời xây mới 3.500-4.500ha các khu, cụm đại học gồm Gia Lâm 200-250ha (5-6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600-650ha (8 đến 10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300-350 ha (4 đến 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000-1.200ha (12 đến 15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600-650ha (8 đến 10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100-120ha (1,5-2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150-200ha (2-3 vạn sinh viên). Một số trường được di dời từ nội đô, hoặc xây dựng cơ sở 2 tại các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô. Quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.
Tương tự, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được phát triển theo hướng di chuyển các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm cao ra khỏi nội đô, dành quỹ đất cho cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao; đồng thời, nâng cấp bệnh viện, cơ sở y tế hiện có, khai thác phục vụ cộng đồng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế được đầu tư xây dựng, như trung tâm đào tạo, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược, trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện trung ương và thành phố tại khu vực Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50ha), Hòa Lạc (khoảng 200ha), Sóc Sơn (khoảng 80-100ha), Phú Xuyên (khoảng 200ha), Sơn Tây (khoảng 50ha).
Các trung tâm tài chính, thương mại
Tại khu vực đô thị trung tâm sẽ xây dựng mới trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh; Trung tâm tài chính, thương mại, ngân hàng, dịch vụ quốc tế tại Tây Hồ Tây và Đông Anh. Ngoài ra, tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín - Thanh Trì và dọc tuyến đường Vành đai 4 cũng sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng. Đồng thời, trung tâm thương mại tổng hợp của TP, khoảng 10-15 ha/khu, được xây dựng mới tại Thượng Đình, Vĩnh Tuy… trên đất các khu công nghiệp, công sở chuyển đổi.
Tại khu vực đầu mối giao thông, sẽ hình thành 2 khu dịch vụ phân phối, trung chuyển hàng hóa gồm Sóc Sơn và Phú Xuyên. Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản cấp vùng (khoảng 20-30 ha/chợ) gắn với vùng nông nghiệp lúa, rau hoa quả sản lượng cao tại 5 khu vực: Mê Linh ở phía Bắc, Phú Xuyên ở phía Nam, Quốc Oai ở phía Tây, Long Biên - Gia Lâm ở phía Đông và Sơn Tây ở phía Tây Bắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.