Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận tiếp tục thực hiện việc ứng phó với tình trạng lũ khẩn cấp.
Mưa lớn đã gây ngập lụt tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trung tâm PCLB khu vực miền Trung và Tây Nguyên sáng ngày 1/11 cho biết, lượng mưa từ 19 giờ 29/10 đến tối 31/10 đo được phổ biến từ 100-250mm, nhiều nơi trên 250mm khiến nước lũ trên các sông thuộc địa bàn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lên lên nhanh và đã đạt đỉnh từ tối ngày 31/10.
Nước lũ đã gây ngập từ 0,5-1m ở 5 xã thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Ninh Thuận có 18 xã của 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,4 - 0,6m.
Tỉnh Khánh Hòa đã di dời 270 hộ/959 người; Ninh Thuận sơ tán 1.137 hộ/4.548 người đến nơi an toàn.
Hiện ở tỉnh Phú Yên vẫn còn ách tắc cục bộ tại 5 tuyến tỉnh lộ gồm ĐT 642, 643, 644, 645, 647 do bị ngập tại các tràn và nền đường một số đoạn bị xói lở, nền đường bị sình lún, trơn trượt. Một số tuyến tỉnh lộ 2, 9, đường liên huyện, liên xã thuộc tỉnh Khánh Hòa bị ngập cục bộ gây ách tắt giao thông.
Đặc biệt, lúc 3 giờ 45 ngày 31/10, tại đèo Sãi Me (Diên Khánh, Khánh Hòa), xe khách từ Huế đi Đà Lạt bị chết máy do ngập nước. Địa phương đã tổ chức cứu hộ và đưa 22 hành khách về nơi an toàn. Riêng tỉnh Ninh Thuận, hiện vẫn còn một số điểm trên QL 1A, QL 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, xã từ 0,1- 0,5m, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Lực lượng công an tỉnh, công an các huyện và lực lượng xung kích tại chỗ đã và đang tổ chức trực để hướng dẫn an toàn giao thông. Riêng tuyến đường sắt, đất đá rơi tại khu vực Đèo Cả đã được xử lý, đã thông tàu bước 1 vào 13 giờ 30 31/10, hành khách các đoàn tàu bị dừng hành trình đang tăng bo bằng đường bộ.
Lực lượng quân đội giúp dân phường Phước Hải, TP Nha Trang đến nơi an toàn . Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo thống kê của các tỉnh, tính đến thời điểm này, mưa lũ đã khiến 3 người chết (đều ở tỉnh Khánh Hòa); 4 người mất tích (Phú Yên 1 người, Khánh Hòa 1 người, Ninh Thuận 1 người, Bình Định 1 người). Cả 4 trường hợp mất tích đều do nước lũ cuốn trôi và bị lật xuồng.
Mưa, lũ cũng khiến 562 bị ngập (Khánh Hòa 450 nhà, Ninh Thuận: 112 nhà). Nhà đổ, sập, trôi: 4 (Khánh Hòa 1 nhà, Ninh Thuận 3 nhà); 48 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái 48 (Khánh Hòa 47 nhà, Ninh Thuận 1 nhà).
Tỉnh Khánh Hòa có 8 thuyền bị chìm (Nha Trang, đã trục vớt được 1 chiếc). Tỉnh Ninh Thuận 8 chiếc ghe bị chìm. Bình Định: 3 thuyền bị sự cố. Không có thiệt hại về người. Riêng tàu BĐ 50377-TS với 10 ngư dân bị hỏng máy tại vùng biển Trường Sa, đến 8h ngày 31/10 đã có tàu tại Bình Định ra ứng cứu.
Lúc 12 giờ 30 ngày 30/10 tàu BĐ 92647-TS với 8 ngư dân bị gãy lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh, Quãng Ngãi, đã cứu hộ được 7 người, còn mất tích 1 người.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ dự báo trong những ngày tới, khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của lưỡi cao lạnh lục địa, kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao. Các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to; tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Gió đông bắc trên đất liền cấp 3 - cấp 4; trên biển cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, biển động đến động mạnh.
Trong 24 giờ tới, mực nước trên các sông tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận có dao động. Lũ trên các sông tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận có giảm chậm nhưng vẫn còn ở mức báo động II - III. Các tỉnh ven biển cần tiếp tục đề phòng lũ lụt.
Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo ứng phó với thời tiết nguy hiểm và lũ khẩn cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.