Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tháng cuối năm: Giá hàng hóa dự kiến tăng nhưng không đột biến

Lan Hương| 03/07/2013 14:05

(HNMO) – Tin từ Bộ Công thương cho biết, trong tháng 7, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như việc điều chỉnh tăng giá xăng, mưa bão...

Theo đó, dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sẽ tăng cao hơn mức tăng tháng 6.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2013, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mục tiêu kiềm chế lạm phát đạt được kết quả tích cực.

Mặt bằng giá hàng hoá biến động nhẹ, chủ yếu do các yếu tố gây tăng giá như giá một số mặt hàng nhiên liệu trên thị trường thế giới (xăng dầu, kim loại, năng lượng) ở mức cao hơn (nhất là trong 3 tháng đầu năm) gây áp lực tới giá nguyên liệu nhập khẩu trong nước; Việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế tại một số địa phương sau thời gian hoãn lộ trình.



Bên cạnh đó cũng có các yếu tố tác động giảm giá như công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện và triển khai tích cực; Nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường; Thời tiết thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, giá lương thực, thực phẩm có chiều hướng giảm và ở mức thấp; Sức mua trên thị trường không cao do sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của người dân…

Bộ Công thương dự báo thị trường hàng hóa các tháng cuối năm có thể chịu tác động của một số yếu tố như: Giá hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng đối với nhóm nhiên liệu nhất là khi một số nước bắt đầu vào mùa lạnh; Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến giá hàng nhập khẩu; Bắt đầu vào mùa mưa bão, giá hàng hóa thực phẩm tăng cục bộ tại một số địa phương…

Bên cạnh đó là việc tiêu thụ hàng hóa còn nhiều khó khăn, giá giảm khiến người sản xuất, chăn nuôi cắt giảm sản lượng, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa các tháng cuối năm. Một số địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng phí dịch vụ giáo dục, y tế...

Tuy nhiên, do sức mua còn yếu, cùng với xu hướng giảm lãi suất và các biện pháp điều hành thị trường tiền tệ quyết liệt, nhiều mặt hàng thiết yếu (lương thực, đường, thép, xi măng...) giá vẫn ổn định nên dự kiến mặt bằng giá hàng hóa chung sẽ không tăng đột biến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các tháng cuối năm: Giá hàng hóa dự kiến tăng nhưng không đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.