Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nước “hốt tiền” từ F1 như thế nào?

T.HẢI| 16/10/2018 15:25

Là giải đấu tốc độ danh giá nhất hành tinh, đường bánh của những cỗ xe F1 có hành trình vòng quanh thế giới, lăn qua các thành phố đăng cai và để lại hàng tỉ đô la lợi nhuận. Nhìn vào Singapore để thấy, F1 mang lại nguồn tiền khổng lồ  cho Đảo quốc Sư tử này như thế nào.


Hàng tỉ USD ở lại Singapore qua mỗi mùa F1


Cho đến nay, Singapore vẫn được đưa ra làm ví dụ điển hình của việc dùng giải Đua xe F1 để “hốt tiền” từ du lịch. Họ lấy đường phố ở khu Marina Bay làm nơi để các ngôi sao như Lewis Hamilton, Sebastian Vettel hay Fernando Alonso trổ tài. Và chính đường đua trong phố diễn ra vào buổi tối lại càng khiến cho Singapore Grand Prix trở nên hấp dẫn hơn, như một đặc thù, trải nghiệm riêng mà không đâu có được!

Để có tiền tổ chức, việc đầu tiên phải làm là tìm kiếm nhà tài trợ, với mức tiền tài trợ khoảng hơn 100 triệu USD cho mỗi hợp đồng có thời hạn 5 năm với đơn vị nắm quyền điều hành và thương mại của F1 (hiện tại đơn vị này là Liberty Media). Nhà mạng Singtel và sau đó là hãng hàng không Singapore Airlines là những đơn vị “xã hội hoá” mang giải đua đầy danh giá này về Singapore. Ngoài ra là hàng chục triệu USD chi phí tổ chức, nâng cấp và bảo trì đường đua mỗi năm.

Đầu tư lớn là vậy, nhưng F1 không chỉ giúp nâng tầm cho ngành du lịch mà còn giúp người Singapore “ăn nên làm ra” nhờ chiến lược kinh doanh độc đáo. Theo Tổng cục Du lịch Singapore, giải đua F1 thu hút hơn 300.000 lượt khách quốc tế đến quốc đảo này mỗi mùa, đồng thời đem lại doanh thu trực tiếp lên tới trên 150 triệu USD.


Để tăng thêm sức hút cho giải đấu, người Singapore còn tổ chức nhiều sự kiện ăn theo 3 đêm F1, như các sự kiện giải trí, bán lẻ và ăn uống. Đáng chú ý nhất là đại nhạc hội với sự hiện diện của các ngôi sao ca nhạc quốc tế lừng danh.Nghĩa là người đến Singapore vào dịp cuối tuần diễn ra giải F1 sẽ không chỉ là fan hâm mộ của Hamilton hay Vettel mà còn của những ngôi sao ca nhạc khác. Tất cả cộng hưởng mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngành du lịch Singapore.

Theo tờ The Strait Times, mỗi dịp tổ chức giải, các khách sạn quanh khu Marina Bay đều kín phòng và những chuỗi trung tâm thương mại tại Orchard Road lúc nào cũng đông khách. Đa phần khách đến Singapore toàn là dân có tiền. Theo một báo cáo của nhóm tư vấn Boston Consulting Group hồi năm 2012, khoảng 10% số người có thu nhập cao thường xem F1 qua truyền hình nói rằng họ sẵn lòng đến Singapore để xem trực tiếp giải đấu nếu có dịp.

"Đăng cai F1 đã tạo cơ hội cho Singapore quảng bá hình ảnh ra toàn cầu vì đây là môn thể thao phổ biến trên toàn thế giới", Phó Giáo sư chuyên về tiếp thị Sharon Ng của Trường Kinh doanh Nanyang, nói với tờ Straits Times.

Một nguồn thu lớn khác đến từ bản quyền truyền hình, khi ước tính có 90 triệu người theo dõi trực tiếp giải đua qua TV, đi kèm theo đó là các spot quảng cáo kín chương trình.

Nhóm tư vấn Boston Consulting Group cũng khẳng định, tổng doanh thu trực tiếp từ giải đua F1 đem về cho Singapore hàng tỉ USD trực tiếp và gián tiếp.

Lợi nhuận khổng lồ tạo cuộc đua khốc liệt giành quyền đăng cai

Những con số tích cực không chỉ đến từ Singapore. Cũng ở châu Á, Bahrain là nước Trung Đông đầu tiên đứng ra tổ chức đua F1 từ năm 2004 và tới nay nước này được cho là đã thu về 1 tỉ USD, theo số liệu từ Bahrain International Circuit. Abu Dhabi của UAE hay Grand Prix Ôxtrâylia tại Melbourne cũng cho các kết quả tương tự bao gồm cả doanh thu gián tiếp. Lợi nhuận khổng lồ từ F1 tạo cuộc đua khốc liệt giữa các quốc gia để mang cỗ máy kiếm tiền tuyệt hảo về nước mình.


Tính trên toàn thế giới, có tới hơn 40 đường đua F1, mà mùa giải thì chỉ có khoảng trên dưới 20 Grand Prix. Do đó, để bất kỳ nước nào lọt vào hệ thống giải đấu Grand Prix hàng năm hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Luôn diễn ra những cuộc cạnh tranh, vận động ngấm ngầm hoặc công khai, đôi khi đến cả nguyên thủ quốc gia cũng đứng ra vận động cho nước mình.

Chẳng hạn, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đích thân ngồi sau vô lăng chiếc F1, với vận tốc trung bình lên tới 300 km/h để vận động cho Grand Prix tổ chức tại thủ đô du lịch của nước Nga là Sochi.

Đó là chưa kể việc tổ chức F1 còn giúp nâng cao hình ảnh đất nước. Hàng chục triệu người cùng theo dõi mỗi vòng đua là cơ hội không thể tốt hơn để các nước đăng cai quảng bá du lịch, nâng tầm nhận diện cho du khách quốc tế.

“Có một hiệu ứng xuất hiện khi tham gia vào một môn thể thao có nhận diện toàn cầu. Rất khó để vạch rõ cán cân giữa lợi ích kinh tế và chi phí đầu tư. Tuy nhiên, dưới dạng một công cụ marketing, vòng đua sẽ mang cả thế giới đổ dồn sự chú ý về thành phố của bạn", ông Donal Kilalwa, CEO của Promoseven Sport Marketing tại Dubai nhận định.

Vì thế, nếu thông tin giải đua tốc độ hấp dẫn nhất thế giới F1 đến Việt Nam trở thành sự thật thì hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu khổng lồ nếu biết tận dụng đúng cách. Cùng việc xã hội hóa toàn bộ chi phí, việc tổ chức một chặng đua F1 sẽ giúp Việt Nam quảng bá đến thế giới hình ảnh một đất nước năng động, hiện đại theo từng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước “hốt tiền” từ F1 như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.