Pháp đã gửi lời mời lãnh đạo các quốc gia châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Ukraine vào chiều 17-2 (giờ địa phương) để ứng phó với cách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề này.
Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine Keith Kellogg cho biết, châu Âu sẽ không có ghế tại bàn đàm phán hòa bình Ukraine sau khi Washington gửi một bảng câu hỏi tới Brussels để xem họ có thể đóng góp gì cho các bảo đảm an ninh cho Kiev. Ông kêu gọi các quốc gia châu Âu tập trung vào các đề xuất cụ thể và chi tiêu quốc phòng thay vì tìm cách tham gia trực tiếp các cuộc đàm phán.
Những phát biểu của ông Keith Kellogg đã gây ra mối lo ngại trong số các nhà lãnh đạo châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một cuộc họp tại Paris và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược an ninh châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho rằng, các quyết định về Ukraine không nên được đưa ra nếu không có sự tham gia của nước này.
Theo các nguồn tin quốc tế, lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được gửi đến ít nhất là Anh, Đức, Ba Lan, Italia, Đan Mạch, đại diện cho các nước Baltic và Scandinavia, Ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nội dung của hội nghị sẽ tập trung vào vai trò của châu Âu trong các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, lập trường của châu lục này về tư cách thành viên NATO của Kiev và các bảo đảm an ninh tiềm năng cho Ukraine.
Phát biểu về bối cảnh an ninh hiện tại, Thủ tướng Anh Keir Starmer, người đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, mô tả đây là "khoảnh khắc ngàn năm có một", đồng thời nhấn mạnh việc châu Âu phải đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong NATO. Ông tái khẳng định cam kết của Anh trong việc duy trì sự gắn kết giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời cho rằng, sự chia rẽ trong liên minh không nên làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết các mối đe dọa bên ngoài.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb bày tỏ quan điểm, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về Ukraine không được viết lại an ninh châu Âu.
Trong khi đó, Nga đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với Mỹ - dự kiến sẽ diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới - để thảo luận không chỉ về cuộc xung đột tại Ukraine mà còn về an ninh châu Âu nói chung. Điều này khiến các quốc gia châu Âu lo ngại rằng, Tổng thống Vladimir Putin có thể khôi phục các yêu cầu đã đưa ra trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đầu năm 2022 là hạn chế lực lượng NATO ở Đông Âu và sự can dự của Mỹ vào lục địa này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.