Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nước ASEAN bàn giải pháp hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục

Thống Nhất| 17/03/2022 14:36

(HNMO) - Ngày 17-3, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp "Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục". Sự kiện có sự tham dự của các bộ trưởng giáo dục ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giai đoạn phục hồi thích ứng với đại dịch Covid-19 không chỉ cần chú trọng tới yếu tố “phục hồi”, mà còn cần đúc kết những kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng phó với các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Các nước ASEAN đã và đang nỗ lực để xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng chống chịu và có năng lực phục hồi tốt hơn, đó là củng cố hệ thống trường học; chuẩn bị các mô hình giáo dục học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến; điều chỉnh chương trình để trang bị toàn diện cho người học cả về kiến thức lẫn những năng lực cần thiết để thích ứng trong bối cảnh mới; nâng cao năng lực tự học, tự phát triển của người học…

Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hội nghị là cơ hội để các nước ASEAN cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn về quá trình phục hồi trong lĩnh vực giáo dục của từng quốc gia và của cả cộng đồng. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, những chia sẻ tại hội nghị sẽ góp phần hữu ích trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực và các bên liên quan xây dựng chính sách và phát triển các sáng kiến nhằm khắc phục, giảm thiểu tối đa các tác động của đại dịch Covid-19 tới hệ thống giáo dục.  

Tại hội nghị, các bộ trưởng giáo dục ASEAN đã cùng trao đổi về việc hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục với 3 chuyên đề chính: Hổng kiến thức và tăng cường việc học; tiếp cận giáo dục; xây dựng hệ thống giáo dục tự cường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã có bài phát biểu tham luận tại hội nghị, trong đó đưa ra những thống kê về tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới giáo dục Việt Nam; những nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng, thay đổi để vừa giữ an toàn, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, không có duy nhất hình thức học tập nào có thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề thiếu hụt học tập. Để giải quyết một phần vấn đề này, ngành Giáo dục Việt Nam đã linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tuyến, sử dụng hệ thống quản lý học tập, các websites học tập để tăng cường cơ hội và sự tương tác của học sinh.

Đối với vùng khó khăn, tập trung vào phương án học tập trên truyền hình vào các khung giờ cố định với thời gian biểu thích hợp, kết hợp với việc phân phát tài liệu bản in cho học sinh để bảo đảm kết quả học tập; việc kết nối giáo viên và cha mẹ học sinh luôn được chú ý. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thi đóng góp các bài giảng trực tuyến của tất cả các thầy, cô giáo theo từng bài học trong chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã trình Chính phủ Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời, tập trung xây dựng chính sách dạy và học trong bối cảnh mới. 

Sau hội nghị, Ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tóm tắt nhằm sử dụng cho việc hoạch định chính sách giáo dục tại các nước ASEAN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước ASEAN bàn giải pháp hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.