(HNM) - Đó là câu vào đề của nhà văn Nguyễn Tuân khi ông bỏ chiếc mũ sắt xuống bàn, bắt đầu cuộc nói chuyện tại Thư viện Hà Nội vào một ngày cuối tháng Chạp năm 1972, ngay sau khi ta đánh thắng B-52 của Mỹ. Dường như ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào Hà Nội cũng ở trong trái tim văn nghệ sĩ.
Mỗi góc phố một thiên tình sử
Xin mượn câu thơ trong bài “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ để minh họa cho một điều giản dị: Hà Nội là thiên tình sử của người nghệ sĩ, nơi mà mỗi ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi nụ cười đều có thể là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo.
Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng đối với các văn nghệ sĩ. Ảnh: Xuân Chính |
Nhìn lại văn chương về đề tài Hà Nội trong 6 thập kỷ qua, rất dễ có cảm giác choáng ngợp. Biết bao mặt người, biết bao tác phẩm nối nhau, tạo thành dòng văn chương bất tận. Vũ Bằng nổi tiếng từ thập niên thứ ba của thế kỷ XX, nhưng rất nhiều tác phẩm hay viết về Hà Nội của ông ra đời sau năm 1954, như “Miếng ngon Hà Nội” (bút ký, 1960), “Thương nhớ Mười hai” (hồi ký, 1972). Trong lớp nhà văn viết về Hà Nội, và viết rất hay, không thể không kể đến Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi…. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn, qua cuốn “Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội” (NXB Hà Nội - năm 1986), đã khẳng định rằng từ năm 1955 trở đi, ngoài lớp nhà văn cũ, có một lớp nhà văn mới trưởng thành từ kháng chiến, nhiều người từ Việt Bắc theo đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội. Thậm chí, Hà Nội được coi là “sân khấu chính của mọi diễn biến văn học, là nơi ấp ủ, nâng đỡ mọi tài năng”.
Có thể tiếp tục điểm ra những gương mặt nhà văn, nhà thơ hiện diện trong quãng vài ba chục năm qua như Siêu Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Băng Sơn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Chiến, Lê Minh Khuê, Nguyễn Việt Hà … Thậm chí, có những nhà văn ở xa Tổ quốc như Nguyễn Phan Quế Mai, Thuận, Hiệu Constant cũng đau đáu với những trang văn viết về Hà Nội.
Mỗi tên người đều góp phần làm nên chiều sâu thành phố - Thủ đô, và, thật khó có thể kể hết đóng góp của họ. Phan Vũ khiến ta “xôn xao nỗi khổ” với bài thơ Em ơi Hà Nội phố: “Em ơi Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác/Thời gian/Mòn thân gỗ/Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ/Lá thư quên địa chỉ quay về…”. Bằng Việt “thơ hóa” Hà Nội, rằng “Chuông xe điện trong màn sương rạng sớm/và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn/Có thể nào không xui tôi nhớ em?”. Nguyễn Việt Chiến gợi nhớ: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/Cả vòm trời loang chảy màu sơn/Những ngôi nhà như đang trượt ngã/Gọi dìu nhau ở phía bên đường”…
Dòng chảy không ngừng
Văn học về Hà Nội là một dòng chảy liên tục. Các nhà văn, nhà thơ vẫn tiếp tục viết về Hà Nội, như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Trương Quý… Thủ đô hiện diện trong các tác phẩm của họ không phải ở danh xưng, ở cách nhắc đi nhắc lại hai từ Hà Nội một cách đơn giản, mà ngự trị trong từng nhân vật, trong không gian sống, trong nỗi hoang hoải nhớ nhung, trong nỗi băn khoăn thời hội nhập. Đỗ Phấn là một họa sĩ, nhà văn, các tác phẩm gần đây của ông có cả tiểu thuyết, tản văn, truyện dài, tất cả đều man mác một không gian Hà Nội xưa cũ như “Dằng dặc triền sông mưa”, “Hà Nội thì không có tuyết”… Ông từng nói “Nếu coi cả đời tôi chỉ viết về một cuốn sách thôi, là cuốn sách về Hà Nội, thì cũng đúng”. Cuộc tọa đàm mới đây về tác phẩm của ông đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến văn chương đề tài Hà Nội như “có phải đã hình thành một dòng văn chương viết về đời sống thị dân khoảng mươi năm trở lại đây?”, hay “các nhà văn viết về Hà Nội chủ yếu nghiêng về một thành phố của ký ức hơn là một thành phố của những biến động, phức tạp hôm nay?”… Thật ra, có “nghiêng về thành phố ký ức” thì cũng dễ hiểu, vì nhà văn bao giờ cũng viết về những gì thân thuộc nhất, ấn tượng nhất đối với mình. “Cửa hiệu giặt là” của cây bút từng thành công với đề tài miền núi như Đỗ Bích Thúy, sở dĩ thuyết phục được bạn đọc là bởi tác giả đã chọn được một “lối vào Hà Nội” mà bản thân đã trải nghiệm, đi qua.
Hà Nội với người nhà thơ trẻ hôm nay cũng vậy, vẫn đầy mê đắm theo cảm nhận riêng. Phan Thị Vàng Anh yêu Hà Nội một cách… rất Sài Gòn “Chúng ta - hai vốc cát Quảng Trị/Hai ly trà đá Sài Gòn/Hai cái đầu tưởng lạnh như băng/Vào một ngày rất bình thường/Bị làn gió nhẹ góc Hồ Gươm/thổi cho/xiêu vẹo”… Còn Đinh Vũ Hoàng Nguyên, chàng họa sĩ tài hoa sớm rời xa cõi tạm ở tuổi 38 thì tự sự “Có bao người vừa đi qua phố/Có một phố vừa đi qua phố/Có chút lòng khẽ chạm làn rêu…”, và “Em ơi ngồi lại đây!/Bến xe điện xưa anh vẫn gọi là Ga Hoa sấu/Hai mươi năm trôi…/Tiếng chuông rụng thành rêu trong kẽ ngói…”.
Những ngày này, khi Hà Nội sống lại không khí Thủ đô 60 năm trước, có rất nhiều tác phẩm mới về Hà Nội được giới thiệu như di cảo, hồi ức của nhà văn Lê Bầu “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa”. Các nhà văn Hà Nội như Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến sẽ giao lưu với độc giả Thủ đô về tác phẩm mới nhất của mình là “Cậu ấm”, “Ba ngôi của người”, “Me Tư Hồng” tại Hội sách mùa thu sắp tới…
Lại nhớ tới lời nhà thơ Vũ Quần Phương khi ông nói về sự ảnh hưởng của Hà Nội đối với người viết: “Hà Nội có chất trữ tình lịch sử, trữ tình trí tuệ, mỗi bước chân ta đi trên đất Hà Nội đều nghe âm vang chuyện nhà Lý, nhà Trần... Và Thủ đô với mỗi người viết luôn là niềm cảm hứng bất tận”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.