(HNM) - Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà lãnh đạo nữ đang đi tiên phong trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với những chính sách quyết đoán và hiệu quả.
Châu Âu hiện là tâm điểm dịch bệnh của thế giới khi số ca dương tính trên toàn châu lục đã vượt ngưỡng 1 triệu người. Tại Đức, số người nhiễm Covid-19 đứng thứ tư tại Lục địa già và thứ năm trên toàn thế giới song tỷ lệ tử vong tại nước này lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo tờ The Guardian, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức là khoảng 1,6%, trong khi Italia là 12%, Tây Ban Nha, Anh, Pháp là 10%, còn Mỹ là 4%. Yếu tố quan trọng giúp nước này có kết quả khả quan trong điều trị các ca nhiễm bệnh là chương trình xét nghiệm trên diện rộng lớn nhất châu Âu và sự chuẩn bị số lượng lớn giường bệnh chăm sóc đặc biệt.
Vai trò lãnh đạo của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đặc biệt được nhấn mạnh trong cuộc chiến này. Là một người có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, Thủ tướng A.Merkel đã sớm cảnh báo về sự nguy hiểm của chủng vi rút mới. Chuyên gia Hans-Georg Krausslich của Bệnh viện Đại học Heidelberg nhận định, sức mạnh lớn nhất của Đức là việc ra quyết định ở cấp cao nhất của Chính phủ kết hợp với lòng tin của người dân.
Nhiều quốc gia châu Âu khác với các nhà lãnh đạo nữ cũng đang triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả và được đánh giá cao. Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (34 tuổi) là nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới và hiện đang nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với dịch bệnh. Tại quốc đảo Iceland với dân số chỉ hơn 360.000 người, nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir đã triển khai chương trình xét nghiệm diện rộng với số lượng xét nghiệm cao gấp 5 lần Hàn Quốc và hoàn toàn ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy một nửa số ca dương tính với Covid-19 không có triệu chứng rõ ràng. Đây là thông tin rất quan trọng và có giá trị tham khảo lớn đối với việc định hướng và triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh trên toàn thế giới.
Còn ở Nam bán cầu, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhanh chóng quyết định cách ly những người nhập cảnh và sau đó cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này ngay từ khi New Zealand ghi nhận 6 ca dương tính, mặc dù du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia gần 5 triệu dân. Ngay sau đó, vào ngày 23-3, bà J.Ardern tuyên bố 4 tuần phong tỏa toàn quốc, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly xã hội. New Zealand cũng đã tiến hành xét nghiệm diện rộng và phát hiện hơn 1.400 ca nhiễm bệnh. Nhà lãnh đạo 39 tuổi khẳng định sẽ không kết thúc sớm các biện pháp phong tỏa cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.
Dù còn nhiều yếu tố khác quyết định sự thành công của các chính sách phòng, chống dịch bệnh, song những hành động sớm và mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo nữ này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực đương đầu với cuộc khủng hoảng bởi dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.