Năm 2017, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau chưa đầy 1 tháng, áp lực cung tiền cũng theo đó tăng lên nhiều so với những năm trước. Việc người dân đổ dồn vào các máy ATM trong cùng một thời điểm gây tắc nghẽn cục bộ là điều khó tránh. Làm sao để điều hoà được vấn đề này vẫn luôn là bài toán khó đối với các ngân hàng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại cây ATM trên đường Hòa Lạc. (Ảnh: Ngọc Hà: TTXVN) |
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tính đến thời điểm này là hơn 106 triệu thẻ. Cùng với việc tăng nhanh của số lượng thẻ, lượng máy ATM và máy POS cũng gia tăng không ngừng khi tính đến năm 2016, toàn thị trường đã có hơn 16.500 máy ATM và hơn 217.000 máy POS.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cho dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, thì thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn rất còn phổ biến. Nhiều con số nghiên cứu cho thấy, có đến gần 90% giao dịch của các chủ thẻ là để rút tiền mặt. Đó là lý do vì sao đến nay, cứ nói đến ATM chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện rút tiền mặt.
Ở các khu công nghiệp, công nhân ồ ạt rút tiền tại một thời điểm khiến các cây ATM “trở tay” không kịp dẫn đến quá tải. Năm nào ngành ngân hàng cũng nỗ lực để khắc phục “căn bệnh” này nhưng dường như chưa thể giải quyết triệt để. Vẫn còn những cây ATM “nghỉ tết sớm” với những dòng chữ “máy hỏng”, “máy đang tạm ngưng hoạt động” hoặc “máy đang sửa chữa”…
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, nếu bình thường, các ngân hàng chỉ cần tiếp quỹ 1-2 lần/ngày/máy thì trong những ngày này, lượng tiếp quỹ tăng lên 3 - 4 lần, thậm chí có điểm phải tăng lên 5-6 lần; lượng giao dịch mỗi máy ATM tăng khoảng 40% so với ngày thường, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ngày thì tăng lên có máy phải nạp từ 2 đến 4 tỷ đồng/ngày, thậm chí lên đến 6 tỷ đồng/ngày.
Là một trong những ngân hàng phát hành lượng thẻ ATM khá lớn, Agribank hiện có mạng lưới rộng nhất với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc; hệ thống ATM lớn nhất với gần 2.500 ATM.
Cũng như mọi năm, Agribank thực thi các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có vấn đề đảm bảo hệ thống đáp ứng trực thường xuyên 24/24, khắc phục xử lý sự cố, đảm bảo hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin dự phòng và đáp ứng nhu cầu tiền mặt. Ngân hàng đã chủ động kế hoạch dự trữ và điều hòa tiền mặt đến tại tất cả các chi nhánh và hệ thống ATM.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết, Agribank rất quan tâm tới các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu tiền mặt tăng cao vào cuối năm nên vào những lúc cao điểm, Agribank đã phối hợp với các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp để tăng cường tiền mặt, đảm bảo nhu cầu sử dụng tiền mặt của công nhân, nhất là những người ở xa nhà về quê ăn Tết.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tại một số nơi, ngân hàng đã sử dụng ATM lưu động nhưng nếu cứ trả lương tập trung vào một thời điểm như các năm trước, khi công nhân xếp hàng rút tiền, máy ATM sẽ không đáp ứng nổi.
Do đó, Vietcombank đã gửi công văn đến các khách hàng doanh nghiệp, ban quản lý của mình tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đề nghị phối hợp nhằm giảm bớt áp lực rút tiền từ máy ATM vào dịp Tết của công nhân. Các biện pháp gồm giãn thời gian chi trả lương, thưởng cho công nhân, cũng như sắp xếp cho phép công nhân có giờ nghỉ trong ngày làm việc để lần lượt đi rút tiền ở máy ATM.
Nhân viên Vietcombank chuẩn bị tiền để tiếp quỹ ATM. (Nguồn: Vietcombank) |
Một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, Bắc Giang, các ngân hàng đã lên kế hoạch tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt và áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt như sử dụng ATM di động.
Bên cạnh đó còn hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt, thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp, tránh tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi hoặc tập trung quá đông người cần rút tiền tại các điểm máy ATM dẫn đến tình trạng quá tải.
Là một trong những ngân hàng thương mại lớn, VietinBank luôn sẵn sàng, chủ động đầy đủ tiền mặt cung ứng ra thị trường trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, việc đảm bảo hoạt động tại máy ATM không bị gián đoạn, đủ lượng tiền cần thiết để phục vụ nhu cầu tiền mặt của khách hàng luôn được VietinBank chú trọng. Đặc biệt, trong các dịp cuối tuần, các dịp nghỉ lễ kéo dài và dịp Tết Nguyên đán, VietinBank luôn có sự chuẩn bị kỹ càng.
Bà Lê Như Hoa, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, VietinBank đã triển khai các biện pháp như cảnh báo tình hình tồn quỹ qua điện thoại cho các cán bộ phụ trách tại từng chi nhánh để kịp thời tiếp quỹ; tăng cường chất lượng dịch vụ ATM, thường xuyên giám sát tồn quỹ máy ATM để bổ sung kịp thời; đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ các máy ATM tại các tỉnh, thành phố lớn có các khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn.
Liên quan đến các sự cố khi giao dịch tại máy ATM như rút phải tiền rách, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, bị nuốt thẻ, trừ tài khoản nhưng không nhả tiền..., theo các ngân hàng, khách hàng phải khiếu nại với ngân hàng phát hành thẻ để nơi này ghi nhận. Tại các trụ ATM đều dán số điện thoại đường dây nóng để khách hàng phản ảnh khi xảy ra sự cố./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.