(HNM) - Mới đây, ứng dụng PC-Covid được đưa vào sử dụng, là ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên toàn quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh việc ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, các nền tảng công nghệ chống dịch mang tính chất “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Thống nhất các ứng dụng chống dịch
- Thưa Thứ trưởng, dư luận phản ánh về tình trạng quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19, gây bất tiện cho người dân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
- Trong số rất nhiều ứng dụng được phát triển phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, thực tế chỉ có khoảng 4 ứng dụng là chính thức và được khuyến nghị người dân sử dụng. Các ứng dụng còn lại, cũng như hàng trăm, hàng nghìn ứng dụng khác trên các kho ứng dụng, được phát triển tự phát và hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của người dân. Một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cũng chủ động phát triển, tích hợp tính năng hỗ trợ phòng, chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh sẵn có để đáp ứng nhu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Có thể thấy, việc "nở rộ" các ứng dụng phòng, chống dịch trong giai đoạn này cũng là điều không quá khó lý giải. Trước hết, nó thể hiện sự quan tâm và mong muốn được chung tay của xã hội, doanh nghiệp trong công cuộc phòng, chống dịch - việc vốn từ trước đến nay luôn được coi là trách nhiệm của Chính phủ. Bên cạnh đó, điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vai trò của công nghệ trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Các ứng dụng được phát triển dù đang “trăm hoa đua nở”, chưa theo quy hoạch rõ ràng, nhưng đều xuất phát từ mong muốn chính đáng là được đóng góp các ý tưởng, giải pháp tốt để đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng đã gặp phải tình trạng này và cũng trải qua quá trình tích hợp, thống nhất ứng dụng dùng chung toàn quốc.
- Vậy những bất cập đó sẽ được khắc phục như thế nào trong ứng dụng PC-Covid, thưa Thứ trưởng?
- Với tính chất hợp nhất các tính năng chống dịch của nhiều ứng dụng vào một ứng dụng duy nhất, PC-Covid ra đời sẽ giúp giảm thiểu số lượng ứng dụng chống dịch chính thống do các cơ quan quản lý chủ trì phát triển. Khi nhắc đến ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19, người dân chỉ cần biết đến ứng dụng PC-Covid. Điều này sẽ giúp giải tỏa tâm lý bối rối của người dân khi không biết phải sử dụng ứng dụng nào.
Đối với ứng dụng phòng, chống dịch tại các địa phương, chúng tôi vẫn khuyến khích những địa phương đang làm tốt để giải quyết nhu cầu đặc thù, không trùng lặp. Tuy nhiên, các ứng dụng này phải tương thích, liên thông dữ liệu với ứng dụng quốc gia để người dân vẫn sử dụng được khi đến các địa phương khác.
- Để hoàn thiện một ứng dụng phục vụ hàng chục triệu người dùng, có thể phải huy động đến cả nghìn kỹ sư công nghệ thông tin… Vậy nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã hoàn thành PC-Covid để đưa vào sử dụng. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về quá trình này?
- Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước chung tay phát triển các giải pháp phòng, chống dịch. Cùng với việc hoàn thiện về mặt kỹ thuật, nhóm phát triển cũng đồng thời phải thiết lập kênh làm việc riêng với đội ngũ rà soát ứng dụng của Apple, Google và liên tục trao đổi, phân tích các vướng mắc về kỹ thuật để bảo đảm ứng dụng được phê duyệt, phát hành trên 2 kho ứng dụng đúng thời điểm.
Tuy nhiên, một ứng dụng được phát triển để phục vụ hàng chục triệu dân, kết nối nhiều cơ sở dữ liệu lớn về phòng, chống dịch thì sẽ khó tránh xảy ra những vấn đề kỹ thuật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Trung tâm thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh của người dân đối với các vấn đề của ứng dụng PC-Covid, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các vấn đề kỹ thuật, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu bảo đảm thông tin của người dùng hiển thị đầy đủ, chính xác lên ứng dụng trong thời gian sớm nhất.
Bảo mật thông tin là yếu tố quan trọng
- Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua?
- Những công nghệ mà Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đang phát triển và đẩy mạnh ứng dụng trong thời gian qua là hướng tới mục tiêu hỗ trợ ngành Y tế phản ứng nhanh với diễn biến của dịch bệnh. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải dựa trên dữ liệu toàn quốc, thông qua triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia. Các nền tảng Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị sử dụng bắt buộc đều hướng tới mục tiêu này và đã phát huy hiệu quả tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp ích cho ngành Y tế ở khâu điều trị, hỗ trợ người dân vùng dịch thông qua việc kết nối bệnh viện với bệnh viện, bác sĩ với người dân, và người dân với người dân, như: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng Zalo Connect, nền tảng “Giúp tôi” hay nền tảng hỗ trợ chuyển tuyến bệnh nhân 115…
- Việc ứng dụng QR code đã được cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh… và người dân hưởng ứng, mang lại sự thay đổi quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Vậy, vấn đề bảo đảm an toàn trong sử dụng mã QR được đặt ra như thế nào?
- Trong quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi luôn coi bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin người dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng trên mã QR, bản cập nhật tiếp theo của ứng dụng PC-Covid sẽ có thêm tính năng “mã QR an toàn” được hiển thị mặc định trên giao diện ứng dụng và chỉ cho phép hiển thị hạn chế thông tin người dùng. Người dùng có thể chuyển sang chế độ mã QR thông thường bằng thao tác phóng to mã QR để thực hiện quét khi cần, và chế độ này sẽ chỉ duy trì trong 60 giây rồi sẽ quay lại chế độ an toàn. Hướng tới mức độ bảo mật cao hơn, bảo đảm tính xác thực và chống làm giả của mã QR, Trung tâm hiện đang xây dựng lộ trình triển khai đối với phương án ký số mã QR.
- Thành phố Hà Nội đã, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Thứ trưởng có thể chia sẻ những định hướng cho Hà Nội để việc này đạt hiệu quả hơn?
- Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá rất cao những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Đặc biệt, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại một số dịch vụ kinh doanh, thành phố đã có chỉ đạo rất quyết liệt việc ứng dụng mã QR để duy trì sự an toàn của người dân trong trạng thái “bình thường mới”. Đây là kinh nghiệm rất hữu ích đáng để nhân rộng trên cả nước.
Thực tiễn cho thấy, không phải cứ địa phương nào có dịch bùng phát thì mới cần áp dụng các giải pháp công nghệ. Các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch thường mang tính chất “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tức là thời điểm lý tưởng nhất với một địa bàn để triển khai các nền tảng chính là khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. Nếu các nền tảng được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trong giai đoạn ổn định thì khi dịch bùng phát, việc kiểm soát khoanh vùng dịch sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Vì thế, khi Hà Nội càng kiểm soát tốt dịch bệnh, việc triển khai các giải pháp công nghệ càng cần được quan tâm và thực hiện quyết liệt.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, thành phố Hà Nội sẽ luôn phát huy vai trò đầu tàu trong công tác phòng, chống dịch, là địa phương đầu tiên hưởng ứng, áp dụng thí điểm các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch mới do Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia phát triển.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.