(HNM) - Một bức tranh kinh tế tươi sáng cho năm 2015 đã được
Các bộ trưởng tài chính của G20 đã hoan nghênh sự phục hồi dù chỉ ở mức "vừa phải" của nền kinh tế thế giới; đồng thời đánh giá cao những tín hiệu kinh tế tích cực tại các nước phát triển trong bối cảnh rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn bày tỏ quan ngại về sự tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế mới nổi, cũng như những thách thức đặt ra đối với triển vọng kinh tế thế giới như sự biến động về tỷ giá, lạm phát thấp kéo dài, nợ công cao và những căng thẳng địa chính trị tại nhiều nước.
Bên ngoài hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20. |
Thực tế, triển vọng kinh tế của các nước phát triển, đặc biệt Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản đã được cải thiện trong thời gian gần đây. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang hồi phục vừa phải và dự kiến sẽ duy trì xu hướng này, khi chính sách nới lỏng tiền tệ của BoJ tiếp tục góp phần ngăn cản các tác động có thể xảy ra đối với nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Trong khi đó, Mỹ và Anh tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu khi đạt được tốc độ tăng trưởng vững chắc. G20 nhận định tăng trưởng kinh tế tại các nước giàu sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, giá nguyên liệu giảm, nhất là dầu thô đã mang đến một luồng sinh khí mới cho các nền kinh tế phát triển. Sức mua của các hộ gia đình bắt đầu tăng và chi phí của các doanh nghiệp giảm. Theo các chuyên gia của Kho bạc Pháp, trong khu vực Eurozone, giá dầu giảm khoảng 50% có thể làm tăng thêm khoảng 0,5% GDP trong vòng hai năm. Ngoài ra, chính sách của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã thúc đẩy việc giảm giá đồng euro. Dự đoán, trong hai năm 2015 và 2016, các nền kinh tế phát triển sẽ là những động lực kéo cỗ máy kinh tế toàn cầu đi lên, chứ không phải là các quốc gia mới nổi như trong 15 năm qua. Dự kiến, các nước phát triển sẽ tăng trưởng khoảng 2,4% trong hai năm 2015 và 2016, lấy lại được sự năng động giống như trong giai đoạn 2000-2007 (+2,6%).
Ở tình trạng ngược lại, các nước mới nổi dự kiến rất khó vượt qua được mức tăng trưởng 4,4% năm 2015 và 4,7% năm 2016. Kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và không còn khả năng tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn trước mắt. Do ảnh hưởng của giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp dụng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, nước Nga đã rơi vào khủng hoảng và sẽ chứng kiến GDP giảm mạnh vào năm 2015 (-3,3%) và kéo dài sang năm 2016 (-0,9%). Brazil cũng phải chịu tác động của việc giảm giá nguyên liệu và có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay. Chỉ có Ấn Độ là nền kinh tế mới nổi duy nhất cưỡng lại được xu thế này. Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nền kinh tế mới nổi chủ chốt tăng trưởng chậm lại bắt nguồn từ các nguyên nhân có tính chất cơ cấu, trong đó có việc giảm sút sức cầu từ bên ngoài và dần dần cạn kiệt động lực đuổi theo các nền kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2015 đối với các nước đang phát triển ở Đông Á, kể cả Trung Quốc; đồng thời cảnh báo những rủi ro "đáng kể" phát sinh từ những yếu tố bất ổn trên thế giới, trong đó có những tác động tiềm tàng từ việc đồng USD mạnh lên và khả năng lãi suất của Mỹ tăng cao. Kể từ ngày 30-6 năm ngoái, đồng USD đã tăng 28% so với euro, 18% so với đồng yên Nhật và 40% so với đồng real Brazil. Nguyên nhân chính khiến USD tăng giá là kinh tế Mỹ đang có diễn biến vượt trội so với các nền kinh tế phát triển khác. Ở Châu Âu và Nhật Bản, USD mạnh lại là "liều thuốc giảm đau" cho những nền kinh tế đã trì trệ suốt nhiều năm qua. Nhưng ở các nền kinh tế mới nổi thuộc Châu Á và Mỹ Latinh, đồng USD mạnh đang đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. Đồng bạc xanh tăng khiến các nước này mất nhiều nội tệ hơn để trả nợ bằng USD trong khi đó các nước này có thể cạn kiệt thanh khoản nếu các công ty đột ngột rút tiền gửi từ ngân hàng để trả nợ, hoặc nếu các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu thị trường mới nổi hốt hoảng và bán tháo.
Mặc dù vậy, bất ổn địa - chính trị từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, xung đột tại vùng Trung Đông, cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…, giá dầu khó lường và chính sách tiền tệ "trái chiều" giữa các nền kinh tế lớn đang là những rủi ro chính khiến kinh tế thế giới trở nên dễ biến động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, động lực kinh tế thế giới đang đổi ngôi. Các nền kinh tế phát triển đã trở lại dẫn dắt đoàn tàu kinh tế toàn cầu và trở thành những điểm sáng đầy lạc quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.