Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các loại hình văn bản hành chính triều Nguyễn nhìn từ tài liệu Châu bản

Hồng Nhung| 17/05/2016 15:04

(HNMO) - Triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam (1802-1945) đã để lại cho chúng ta những di sản vật thể và những tư liệu ký ức có giá trị vượt khuôn khổ thời gian và không gian, trong đó có Châu bản triều Nguyễn - khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được với nội dung bao quát gần như toàn bộ lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX...


Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao được vua ngự lãm hoặc ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo Phiếu nghĩ của Nội Các, Lục Bộ sau đó cho ý kiến mệnh lệnh. Những lời phê của vua thường được gọi là Châu phê. Văn bản có Châu phê thì gọi là Châu bản. Châu phê tượng trưng cho quyền lực tối cao trong nước nên những văn bản đã có Châu phê thì không được sửa chữa.

Đây là một trong những bộ sưu tập tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước). Với những giá trị nổi bật đáp ứng các tiêu chí về nội dung và hình thức như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Có thể khẳng định Châu bản triều Nguyễn là văn thư hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam từ trung ương xuống địa phương thuộc các vương triều Nguyễn với nội dung phản ánh hầu hết các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam từ thời Gia Long đến Bảo Đại.

Triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức chú trọng phát triển chế độ quân chủ tập quyền cho nên vấn đề văn thư lưu trữ cũng được quan tâm xây dựng quy củ. Triều đình đặt ra văn phòng chuyên lưu giữ Châu bản và các loại văn thư của triều đình là Viện Thị Hàn, Viện Nội Hàn (triều Gia Long 1802 - 1819). Đến triều Minh Mệnh, tổ chức quản lý văn thư Châu bản là phòng Văn Thư. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1819) phòng Văn Thư đổi thành Nội Các, chia 4 Tào, mỗi Tào có chức trách riêng. Trong các vương triều thời Nguyễn, có thể nói triều Minh Mệnh lưu trữ bảo quản các văn bản hành chính hoàn chỉnh, quy mô nhất.

Như vậy, thông qua các văn bản hành chính trong khối Châu bản, con người không chỉ hiểu về tình hình kinh tế xã hội đương thời, mà còn hiểu thêm về tư duy và phương pháp quản lý chặt chẽ của nhà nước thời Nguyễn thông qua hệ thống văn bản hành chính. Căn cứ theo thẩm quyền ban hành, qua Châu bản triều Nguyễn, có thể chia thành các loại hình văn bản hành chính như sau:

Văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hoàng đế

Các loại hình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hoàng đế bao gồm các loại văn bản như: chiếu, chỉ, dụ, chế, sắc.



Bản dụ số 2 chuẩn lập 6 phường trong thị xã Đà Lạt, ngày 8 tháng 1 năm Bảo Đại 16 (1941) Nguồn: TTLTQGI, CBTN – Bảo Đại tập số 35, tờ số 150


Những văn bản này dùng vào trong trường hợp ban bố với toàn dân chủ trương, quyết sách hoặc quan điểm của nhà vua về một vấn đề quan trọng liên quan đến việc trị nước, đến vận mệnh quốc gia; giải quyết những vấn đề thường nhật trong hoạt động quản lý hoặc chuẩn y lời tâu trình của cấp dưới hoặc để ban tước, định phẩm hàm cho quan lại, phong tước vị cho thần linh...; khuyên bảo, răn dạy thần dân, ra lệnh thi hành hoặc đề ra các quy định mang tính pháp quy.

Văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng Đình thần

Các loại hình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng Đình thần như: Công đồng truyền, Công đồng sai, Công đồng phó, Công đồng di, Công đồng khâm chỉ khiến.

Bản Công đồng truyền Khâm sai Tổng trấn Bắc thành kê khai lí lịch quan viên có công bắt giặc, ngày 12 tháng 7 năm Gia Long 5 (1806). Nguồn: TTLTQGI, CBTN – Gia Long tập số 2, tờ số 53


Trên cơ sở ý chí hoặc mệnh lệnh của nhà vua, Hội đồng Đình thần (còn gọi là Công đồng) gửi công văn đến các cơ quan trung ương và địa phương.

Dưới thời Vua Gia Long, các loại công văn đó của Công đồng được sử dụng phổ biến. Sang thời Vua Minh Mệnh, do những cải cách bộ máy nhà nước, Hội đồng Đình thần không còn được duy trì và hoạt động nên các loại công văn này chỉ còn lại rất ít và sau đó không còn nữa.

Văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của triều thần, quan lại ở trung ương và địa phương

Bản tư di của Bộ Lại gửi Quan Viện Cơ mật kê khai quan chức để thưởng tiền mừng tết Nguyên đán, ngày 10 tháng 12 năm Đồng Khánh 3 (1888). Nguồn: TTLTQGI, CBTN – Đồng Khánh tập số 26, tờ số 395


Các loại văn bản như tấu, phiến, phúc...do các nha môn và thần dân sử dụng để tâu bày lên vua các vấn đề sự việc, nêu kiến nghị để vua xem xét, phê duyệt; Các loại văn bản như truyền thị... của các quan, đình thần thông báo mệnh lệnh hoặc các quyết định từ trung ương đến các quan văn võ lớn nhỏ trong kinh ngoài tỉnh; Các loại văn bản như tư di, tư trình, trát... do các quan lại ở trung ương và địa phương gửi cho các cơ quan, chức quan ngang hàng, ngang cấp để trao đổi công việc; Ngoài ra, các loại văn bản như thân, kê, khải... được sử dụng phổ biến thời Vua Gia Long và Vua Minh Mệnh.

Bàn về giá trị, nét đặc sắc của các loại hình văn bản hành chính triều Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải nhận định: “Các loại văn bản hành chính của triều Nguyễn được ngự phê bằng bút pháp tinh hoa, nét chữ rất đa dạng và được đóng dấu bởi hệ thống ấn triện phong phú”. Đây thực sự là những thông tin hữu ích cho những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt là chuyên ngành văn bản học) và công chúng quan tâm đến hệ thống văn bản hành chính nhà nước triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các loại hình văn bản hành chính triều Nguyễn nhìn từ tài liệu Châu bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.