(HNMO) - Ngày 10-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), mặc dù không khí xuân vẫn tràn ngập khắp nơi, song tranh thủ nắng ấm, nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội khẩn trương bắt tay vào sản xuất, đặc biệt là gieo cấy lúa xuân...
Ngày 10-2, nông dân xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) nô nức xuống đồng cấy lúa. Ảnh: Nguyễn Mai |
Tại những cánh đồng của các huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ... cơ bản hoàn thành cấy xuân. Sau cấy, thời tiết ấm áp nên lúa đã bén rễ, phát triển nhanh. Trên cánh đồng thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), bà Nguyễn Thị Phương cho biết, sau khi cấy xong, bà thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa, diệt ốc bươu vàng và chuột. Nhờ thực hiện tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đến thời điểm này, diện tích lúa mới cấy của gia đình bà Phương phát triển tốt, cơ bản không có sâu bệnh hại...
Ngay trong ngày hôm nay, nông dân huyện Đan Phượng xuống đồng khá đông để làm đất cấy lúa. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, công tác đổ ải cơ bản xong, mạ phát triển tốt, sẵn sàng đáp ứng việc cấy lúa. Sáng 10-2, Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn, động viên nhân dân làm đất cấy xuân trong khung thời vụ. Đặc biệt, tại các diện tích cây ăn quả như bưởi, táo... ở các xã: Thượng Mỗ, Song Phượng, Thọ An..., người dân tích cực chăm sóc để cây ra hoa, kết trái tỷ lệ cao.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, trong ngày 10-2, nông dân trên địa bàn huyện tập trung xuống đồng. Hiện, toàn huyện đã làm đất được 10.497ha, đạt 95% kế hoạch; gieo mạ được 850ha, đạt 94,4% kế hoạch; lấy nước đổ ải được 3.700ha, đạt 41,1% kế hoạch và gieo cấy lúa xuân được 1.115ha, đạt 12,3% kế hoạch... Một số xã cấy đạt tỷ lệ cao: Bắc Sơn 300ha (đạt 65% kế hoạch), Nam Sơn 220ha (đạt 62% kế hoạch); một số xã gieo sạ tỷ lệ cao như: Minh Phú 120ha, Hiền Ninh 100ha, Phù Linh 50ha, Quang Tiến 50ha... Ngoài ra, bà con đã trồng mới được 40ha lạc và 55ha cây rau màu.
Tại Ứng Hòa - một trong những địa phương có diện tích lúa lớn của Hà Nội (8.900ha), đến nay, 100% xã, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã ra đồng sản xuất. Chỉ trong 4 ngày Tết (từ mùng 3 đến mùng 6), toàn huyện đã cấy được hơn 1.000ha, đạt hơn 50% diện tích. Bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện chia sẻ: "Với tốc độ sản xuất như hiện nay, huyện sẽ hoàn thành cấy trong tháng 2. Vụ xuân năm nay, Ứng Hòa tiếp tục đưa giống lúa mới J02 vào sản xuất, diện tích tăng mạnh, lên tới hơn 2.000ha. Đây là giống lúa chủ lực để xây dựng thương hiệu gạo khu Cháy".
Vụ xuân 2019, toàn huyện Mỹ Đức phấn đấu gieo cấy hơn 7.500ha lúa. Với điều kiện thuận lợi về thời tiết, đồng ruộng, nước, giống, phân bón…, hiện nông dân trong huyện đã gieo cấy lúa và rau màu các loại đạt hơn 50% diện tích.
Đối với huyện Hoài Đức, diện tích cấy lúa không còn nhiều và vốn là địa phương có truyền thống cấy muộn, nhưng đến nay, nông dân đang tập trung sản xuất. Đặc biệt, tại các xã vùng bãi trồng cây ăn quả, rau màu..., khí thế lao động rất khẩn trương. Ông Trần Văn Thỉnh, hộ trồng phật thủ tại xã Đắc Sở chia sẻ, gia đình đã thu hoạch xong phật thủ bán trước Tết Nguyên đán và nay đang chuyển sang chăm sóc 5 sào phật thủ. Vụ xuân 2019, Hoài Đức gieo trồng hơn 1.800ha lúa xuân và gần 1.000ha rau màu, hoa cây cảnh... Đến nay, nông dân trên địa bàn đã gieo trồng được 433ha rau màu, hoa cây cảnh các loại.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán (6-2), nông dân thị xã Sơn Tây đã ra đồng cấy lúa. Tính đến nay, toàn thị xã gieo cấy được khoảng 80% diện tích lúa xuân (1.440ha), chủ yếu là các giống TBR225 (300ha), Sơn Lâm 1, QJ1 (100ha)... Dự kiến, ngày 20-2, Sơn Tây sẽ cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân và rau màu.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết, năm 2019, Phú Xuyên triển khai cấy lúa xuân muộn với cơ cấu 40% lúa chất lượng cao, 45% lúa thuần, còn lại là các giống khác, phấn đấu hơn 10% diện tích lúa cấy bằng máy. Đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được 5%, dự kiến trong tháng 2-2019, cấy xong toàn bộ diện tích lúa xuân.
Với 95% diện tích cấy giống lúa ngắn ngày và 5% giống lúa dài ngày, huyện Thạch Thất đang tập trung cấy các giống lúa chất lượng cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho hay, theo quy hoạch sản xuất vụ xuân, toàn huyện có 20 xã triển khai, mỗi xã có “một cánh đồng cấy một giống lúa”. Ngoài ra, các xã: Hương Ngải, Bình Yên, Yên Bình, Dị Nậu... cũng tập trung trồng khoai tây xuân, rau màu, rau an toàn các loại.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, tranh thủ thời tiết ấm, từ chiều mùng 2 Tết, nhân dân trên địa bàn đã xuống đồng dẫn nước, làm đất, gieo cấy vụ xuân. Tính đến 14h chiều mùng 6 Tết, huyện Ba Vì đã làm đất, gieo cấy được khoảng 5.800ha, đạt 75% diện tích vụ xuân 2019. Ba Vì phấn đấu đến ngày 17-2 sẽ hoàn thành gieo cấy lúa xuân.
Tranh thủ trời nắng ấm, nông dân xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) cũng tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, đến nay, toàn huyện gieo cấy hơn 30ha/6.511ha, trong đó gần 80% là lúa chất lượng cao.
Tại Đông Anh, theo kế hoạch, vụ xuân này, toàn huyện gieo cấy khoảng 6.000ha lúa vụ xuân. Từ ngày 10-2, bà con các xã trên địa bàn đã xuống đồng cấy lúa xuân, đạt 20ha. Dự kiến, Đông Anh kết thúc cấy trong tháng 2.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân, trong 6 ngày Tết Nguyên đán, 5 công ty thủy lợi của thành phố bố trí lực lượng vận hành các trạm bơm đủ điều kiện khai thác để tiếp nguồn nước sông Hồng, dẫn nước vào đồng ruộng. Tính đến 14h ngày 10-2, các công ty thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước cho 73.742ha, tương đương 75% diện tích sản xuất vụ xuân. Các quận, huyện, thị xã đã làm đất được 58.719ha, đạt 60% kế hoạch. Địa phương có diện tích đủ nước đạt tỷ lệ cao là Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai....
Một khí thế sản xuất khẩn trương hiện diện ở tất cả các huyện ngoại thành nhằm hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.