Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 28/9, trong khuôn khổ Khoá họp 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động gìn giữ hoà bình dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống, Thủ tướng của gần 50 nước đã tham dự và phát biểu.
Các nước trong phát biểu đều nêu bật vai trò quan trọng của Hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc trong ngăn ngừa chiến tranh, hỗ trợ tìm giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại Đối thoại chính sách tại Hội châu Á (AS). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Nhiều nước thông báo cam kết đóng góp cụ thể đối với Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Thượng đỉnh về hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách là nước đã đóng góp lực lượng cho Hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc từ năm 2014; thông báo Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2, Đơn vị công binh và tiếp tục cử các sỹ quan liên lạc, sỹ quan tham mưu tham gia các Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh thế kỷ 21 đang đặt ra cho Hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao. Do đó, để triển khai thành công và hiệu quả các hoạt động này, Chủ tịch nước đã đề nghị Liên hợp quốc cần (i) giữ vững các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, không thiên vị, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và phải được các bên liên quan chấp thuận; (ii) tiếp tục cải tiến các quy trình cần nhằm nâng cao khả năng triển khai và ứng phó kịp thời; đồng thời có biện pháp bảo đảm tối đa an ninh, an toàn cho các lực lượng gìn giữ hoà bình; (iii) cần có quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc cung cấp đầy đủ nguồn lực về cả con người và vật chất cho Hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với Pháp, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Hai vị lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước sau khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp và làm sâu sắc hơn các cơ chế đối thoại hợp tác giữa hai nước về chiến lược, an ninh, quốc phòng, kinh tế.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời mời Ngài Tổng thống thăm Việt Nam, khẳng định chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng cho quan hệ Việt Nam-Pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhất trí đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt Nam-Pháp. Hai nước cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, tàu điện ngầm, hàng không và vũ trụ, năng lượng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường, phát triển “đô thị thông minh”, xây dựng hệ thống y tế hiện đại...
Chủ tịch nước đề nghị Pháp, với tư cách là nước có vai trò trụ cột ở EU, tiếp tục ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam-EU, cụ thể là sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và công nhận quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam; đồng thời đề nghị Pháp nhanh chóng thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam-EU (PCA) mà hai bên đã ký kết.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của Pháp trong hợp tác phát triển với Việt Nam và hỗ trợ tích cực Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn sau 2015.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pháp Hollande nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác ba bên Việt Nam-Pháp-châu Phi. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, hợp tác, hỗ trợ nhau trong các vấn đề quốc tế như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các vấn đề liên quan đến nguồn nước, biến đổi khí hậu...
Chủ tịch nước cảm ơn Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc khóa 2020-2021, đề nghị Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019) và Hội đồng Kinh tế Xã hội ECOSOC (2016-2018).
Về các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Chủ tịch nước hoan nghênh Pháp đã có lập trường tích cực về các vấn đề an ninh, hòa bình tại Châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch nước đề nghị Pháp tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói quan trọng của mình để đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Về phần mình, Việt Nam sẽ là cầu nối tích cực để Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.
Tổng thống Hollande mong muốn Việt Nam sẽ cử đoàn dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP21 tại Paris vào đầu tháng 12 tới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ cử đoàn tham dự và sẵn sàng tham gia tích cực để đóng góp vào thành công của Hội nghị.
Cũng trong ngày 28/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Đối thoại Chính sách về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại trụ sở Hội Châu Á, thành phố New York do Hội Châu Á phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tổ chức.
Bà Chủ tịch Josette Sheeran, ông Phó Chủ tịch điều hành Tom Nagorski, Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách Hội Châu Á và gần 100 quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia buổi đối thoại. Buổi Đối thoại Chính sách cũng được Hội Châu Á truyền trực tuyến trên mạng Internet cho rộng rãi thành viên Hội Châu Á cũng như công chúng Hoa Kỳ và toàn thế giới theo dõi.
Thay mặt Hội châu Á, Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd phát biểu chân thành cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian thăm và phát biểu tại Hội Châu Á.
Là một tổ chức nghiên cứu, giáo dục quốc tế hàng đầu tại Hoa Kỳ, Hội Châu Á luôn quan tâm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo, các tổ chức và nhân dân châu Á, trong đó có Việt Nam với Hoa Kỳ thông qua nhiều sáng kiến và hoạt động giao lưu nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và đối thoại chính sách.
Ông cũng chân thành cảm ơn Lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Hội Châu Á làm cầu nối hữu nghị và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua. Ông bày tỏ sự đánh giá cao của quốc tế đối với thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong gần 30 năm Đổi mới, nhất là trong xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác liên kết vẫn là xu thế chủ đạo, tuy nhiên tình hình căng thẳng ở một số khu vực, chủ nghĩa khủng bố cực đoan, an ninh mạng, an ninh hàng không và hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, làn sóng di cư ồ ạt, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính đơn phương nhằm thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này, và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, và ổn định tại khu vực, đặt ra yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Điểm lại những bước phát triển đáng tự hào của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong 20 năm bình thường hóa quan hệ, Chủ tịch nước khẳng định những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ là nguyên nhân và động lực giúp hai nước vượt qua được quá khứ chiến tranh và những khác biệt để trở thành Đối tác Toàn diện của nhau; quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Để tận dụng những cơ hội hợp tác, cụ thể hóa và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước đề cập một số phương hướng lớn.
Thứ nhất, hai bên hợp tác tích cực triển khai hiệu quả Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ và Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam
-Hoa Kỳ, trong đó quan trọng là xây dựng lòng tin, nhất là lòng tin chính trị. Thứ hai, hợp tác thông qua những khuôn khổ, thể chế khu vực gồm Diễn đàn An ninh khu vực, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); hợp tác tổ chức thành công Hội nghị APEC năm 2017 tại Việt Nam; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, hoàn tất đàm phán và triển khai TPP; thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chất trên biển; thúc đẩy Sáng kiến hạ nguồn Me Kong-Mỹ.
Thứ ba, hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương lớn, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc trên lĩnh vực hợp tác phát triển, giữ gìn hòa bình, an ninh, chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại cuộc Đối thoại, Chủ tịch nước cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại diện quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ về triển vọng phát triển của Việt Nam, tiềm năng và cơ hội đối với Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Trung Quốc, vấn đề giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dân chủ và nhân quyền...
Nhận lời mời của Chủ tịch và Ban Lãnh đạo hãng Truyền thông AP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm trụ sở Hãng AP tại New York. Tại đây, Chủ tịch Hãng AP Gary Pruit đã giới thiệu về lịch sử hơn 150 năm hoạt động của AP. Hiện nay AP là một trong những hãng truyền thông hàng đầu thế giới, đưa tin và ảnh về hầu hết các sự kiện đáng chú ý trên toàn cầu.
Tại phòng họp truyền thống của AP, ông Gary Pruit bày tỏ niềm vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm trụ sở AP, trân trọng giới thiệu với Chủ tịch nước các bức ảnh của phóng viên AP từng đoạt các giải thưởng quốc tế hàng đầu thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao hoạt động truyền thông mang tính khách quan, chuyên nghiệp của AP, trong đó có các hoạt động tác nghiệp ở Việt Nam, qua đó góp phần kết nối sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như góp phần để cộng đồng quốc tế hiểu thêm về Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ xúc động khi trong số các bức ảnh nổi tiếng được trưng bày tại phòng truyền thống của AP có bức ảnh Em bé napalm của phóng viên Nick Út, đồng thời bày tỏ mong muốn nơi đây sẽ sớm trưng bày 1 bức ảnh nổi tiếng đoạt giải thưởng quốc tế nhưng không phải về chiến tranh mà về tiến trình phát triển vượt bậc của đất nước, con người Việt Nam cũng như của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã trả lời phỏng vấn trực tiếp một số câu hỏi đa dạng về nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại, kinh tế-xã hội của Việt Nam, đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực. Cuộc phỏng vấn do đích thân phóng viên kỳ cựu John Daniszewski, Phó Chủ tịch Hãng AP phụ trách thời sự quốc tế, tiến hành.
Cùng ngày 28/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) Hugo H. Siblesz.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đánh giá cao vai trò của PCA là cơ quan chỉ định trọng tài viên theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL và cơ quan hành chính cho các vụ kiện trọng tài giữa nhà nước và nhà đầu tư, trong đó có một số vụ kiện trọng tài mà Việt Nam tham gia; cũng như là cơ quan hành chính trong các vụ kiện trọng tài giữa các quốc gia.
Phó Thủ tướng cảm ơn PCA đã có những hỗ trợ thiết thực đối với Việt Nam trong thời gian qua như cử chuyên gia vào giảng bài về luật pháp quốc tế đương đại và vấn đề giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ pháp lý Việt Nam để phục vụ đất nước trong quá trình hội nhập.
Ông Siblesz khẳng định PCA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia pháp lý Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Tổng thư ký Siblesz nhất trí cho rằng Hiệp định nước chủ nhà và Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và PCA ký ngày 23/6/2014 là cơ sở pháp lý cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.