Theo Tổng cục Thủy lợi, qua 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2018-2019, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, các địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch với tổng lượng nước 4,42 tỷ m3.
Nước chảy về các kênh, mương dẫn về khu vực đất sản xuất. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN) |
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2018-2019, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, các địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước cho các diện tích cấp nước phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Một số khu vực thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước các năm trước đây nhưng cũng hoàn thành cấp nước sớm hơn các năm trước.
Để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước khoảng 3 ngày và duy trì tối đa công suất phát điện để dâng mực nước hạ du các sông.
Tuy nhiên, trong thời gian các đợt lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội duy trì thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu (không thấp hơn +2,2m).
Thực tế, tổng số giờ đạt từ +2,2m trở lên trong các đợt lấy nước là 33 giờ, chiếm 13,75% số giờ lấy nước.
Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,18 tỷ m3, đợt 2 là 1,50 tỷ m3, đợt 3 là 1,74 tỷ m3, tổng cộng 3 đợt là 4,42 tỷ m3 nước.
Như vậy, tổng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện ở mức thấp, so với năm ngoái thấp hơn 1,32 tỷ m3, thấp hơn 0,25 tỷ m3 so với năm 2017.
Để có được kết quả trên, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường để xả nước tiết kiệm, nhất và phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương.
Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng.
Các địa phương đã có sự chủ động trong việc đầu tư xây dựng công trình lấy nước có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Các đơn vị cũng tổ chức vận hành sớm công trình để lấy nước, đồng thời tích trữ trong các vùng trũng, ao hồ, hệ thống kênh mương để đưa nước lên ruộng trong thời gian giữa các đợt lấy nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, mặc dù nguồn nước không bảo đảm yêu cầu nhưng tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh, cao hơn cùng kỳ các năm gần đây, nhiều địa phương đã hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước trước khi bắt đầu lấy nước đợt 3 như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ.
Một số khu vực thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước các năm trước đây nhưng cũng hoàn thành cấp nước sớm hơn các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có sự phối hợp, chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt. Mọi khó khăn phát sinh, đề xuất, kiến nghị của các địa phương đều được tháo gỡ và giải quyết kịp thời.
Từ việc chỉ đạo, phối hợp tốt nên đã tiết kiệm nước xả từ các hồ chứa thủy điện, đồng thời vẫn đảm bảo nước phục vụ sản xuất, dân sinh.
Điển hình trong 6 ngày cuối của đợt 3 đã điều chỉnh duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây ở mức +2,5m, đảm bảo trạm bơm dã chiến Phù Sa và Thanh Điềm vận hành lấy nước hiệu quả. Việc điều chỉnh này dựa trên thực tiễn.
Bởi, nếu vận hành tối đa công suất các nhà máy thủy điện, mực nước sông Hồng vẫn không đủ cho các trạm bơm chính vận hành.
Việc hạ thấp mực nước đủ để cho các trạm bơm dã chiến hoạt động, đồng thời duy trì đủ thời gian đã giảm đáng kể tổng lượng xả và vẫn bảo đảm mục tiêu cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.