(HNM) - Nhiều doanh nghiệp chưa nhìn nhận đúng vai trò tích cực của các hiệp hội ngành nghề nên khi gia nhập thì miễn cưỡng, nghi kỵ và liên kết rời rạc là chuyện có thật...
Nhiều hiệp hội chưa thể hiện rõ vai trò kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp hội viên. Ảnh: Mai Vy |
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có rất nhiều tổ chức nghề nghiệp như HH Doanh nghiệp TP, Hội Doanh nhân trẻ TP, HH Bất động sản TP, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP… Tuy nhiên, phần lớn hội viên của các HH là những DN vừa và nhỏ. Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, thách thức đối với các HH hiện nay đó là các DN nghi kị với nhau dẫn đến khả năng hợp tác rời rạc. Cùng là hội viên của một HH nhưng có hiện tượng DN này chê DN khác và dìm giá nhau, rốt cuộc chỉ có DN người nước ngoài được hưởng lợi.
Theo các chuyên gia, hiện nay hầu hết HH không có trụ sở riêng, phải đi thuê. 65% trong số này phải đổi địa chỉ mới trong vòng 5 năm gần đây và 70% trong số này phải đổi từ hai lần trở lên gây khó khăn cho HH khi cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho hội viên. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận, uy tín của HH chưa cao, đôi khi tiếng nói chưa phản ánh được đúng tính chất của sự việc. Đơn cử như trường hợp phát ngôn gây sốc của chủ tịch một HH nghề nghiệp về việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận.
Mặt khác, mục tiêu của DN khi gia nhập HH là để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ HH, để liên doanh, liên kết, cập nhật thông tin, diễn biến thị trường nhằm đem lại lợi ích kinh doanh. Với vai trò kết nối và hỗ trợ DN nhưng nhiều HH chưa làm được điều này. Đơn cử như HH Lương thực Việt Nam có trụ sở tại TP, mặc dù tồn tại từ khá lâu và có nhiều thành viên nhưng vẫn chưa làm tốt công việc dự báo thị trường, giá cả thế giới dẫn đến không ít lần giá gạo Việt Nam biến động mà thiệt thòi luôn rơi vào người nông dân.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, HH là một tổ chức không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, HH phải sống bằng sự đóng góp của hội viên chứ không thể bám mãi vào ngân sách như hiện nay. Vì thế, điều các HH cần làm ngay là phải tổ chức lại để liên kết các nguồn lực, gắn kết các doanh nghiệp, các chuyên gia, đẩy mạnh truyền thông mới mong hỗ trợ tốt cho hội viên.
Về phần mình, đại diện một HH cho biết, cái khó hiện nay là có sự trùng lắp giữa công việc của HH và sự quản lý của Nhà nước. Trong khi đó, sự tác động giữa HH với các cấp chính quyền chưa cao. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, hiện nay vai trò của HH chưa phát huy một phần là do Nhà nước đã giành làm hết những việc của hội nghề nghiệp. Do đó, để tiếng nói mạnh hơn, những quan hệ thuộc về dân sự nên trả về cho HH. Bên cạnh đó, để HH được hoạt động tốt hơn thì cần phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.