Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các hãng ô tô đua nhau "đặt lịch" dừng bán xe trang bị động cơ đốt trong

Hoàng Linh| 23/07/2021 17:33

(HNMO) - Trong bối cảnh xe điện đã trở thành xu hướng tất yếu, hàng loạt hãng ô tô đặt ra mục tiêu dừng bán các sản phẩm với động cơ đốt trong để tập trung cho cuộc chơi mới.

Sedan hạng sang EQS đang là sản phẩm điện cao cấp nhất của Mercedes-Benz hiện nay.

Trên sân chơi xe sang, xu hướng chuyển đổi đặc biệt gấp gáp. Ngay trong tuần này, Mercedes-Benz là cái tên mới nhất công bố lộ trình từ bỏ sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong. Cụ thể, hãng sẽ cung cấp biến thể xe điện chạy pin ở mọi nhóm sản phẩm của mình kể từ năm 2022, tiến tới toàn bộ xe mới sẽ chỉ gồm sản phẩm chạy điện vào năm 2025. 

Thương hiệu ô tô lâu đời nhất thế giới cũng sẽ giới thiệu bộ ba nền tảng ô tô chạy điện mới, gồm MB.EA cho xe điện du lịch, AMG.EA cho xe điện hiệu năng cao - hướng tới chinh phục nhóm người dùng xe thể thao Mercedes-AMG hiện nay, và VAN.EA phục vụ nhóm xe thương mại. 

Tương tự đồng hương, Audi cũng công bố chiến lược mới, trong đó khẳng định dừng bán các sản phẩm sử dụng thuần túy động cơ đốt trong kể từ năm 2026. Động thái này diễn ra chỉ ít lâu sau khi hãng tuyên bố dừng phát triển mới các loại động cơ đốt trong. Trong khi đó, tập đoàn mẹ của thương hiệu bốn vòng tròn là Volkswagen dự kiến dừng bán xe với động cơ đốt trong - kể cả xe hybrid - kể từ năm 2035 tại châu Âu, tiến tới thực hiện điều tương tự tại Trung Quốc và Mỹ. Tới năm 2050, toàn bộ xe của Volkswagen sẽ đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon. 

Xe điện Volkswagen ID.3 xuất xưởng tại nhà máy Dresden (Đức).

Trào lưu điện hóa không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở cái nôi của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Tập đoàn đa quốc gia Stellantis - hệ quả từ thương vụ kết hợp giữa Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và Peugeot S.A (PSA Group) - cũng có tham vọng phấn đấu 80% xe bán ra vào năm 2030 là các loại chạy điện. Tiên phong chuyển đổi sẽ là các sản phẩm Abarth, dự kiến từ năm 2024 chỉ có phiên bản chạy điện, mở đường cho nỗ lực điện hóa 100% xe bán ra của Fiat vào năm 2030. Thương hiệu Italia sẽ cố gắng cung cấp ít nhất một biến thể điện hóa trên toàn bộ các đầu sản phẩm trong danh mục của mình ngay trong năm tới. 

Tại Thụy Điển, Volvo vừa thông báo đẩy nhanh tiến độ các dự án sản phẩm xanh. Trước đây, hãng ô tô thuộc sở hữu Tập đoàn Geely (Trung Quốc) từng đặt mục tiêu một nửa số xe bán ra trong năm 2025 là xe điện, nhưng mốc này hiện đã được đẩy lên sớm hơn. Kể từ năm 2030, Volvo sẽ chỉ bán xe điện. 

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Ford dẫn đầu trào lưu chuyển đổi với cam kết toàn bộ xe thương mại bán ra có thể vận hành trong trạng thái không phát thải ngay từ năm 2024. Toàn bộ xe du lịch của hãng cũng sẽ đạt mục tiêu tương tự vào năm 2026. Tới năm 2030, Ford mong muốn 2/3 xe thương mại bán ra sẽ là thuần điện hoặc hybrid sạc ngoài, trong khi tất cả xe cá nhân chỉ sử dụng hệ truyền động gồm pin và mô tơ điện. 

Có hạ tầng sạc đủ tốt nhằm bảo đảm sự tiện dụng cho người dùng là thách thức lớn trong việc phổ biến xe điện.

Về phần mình, đối thủ chính của Ford là General Motor có phần chậm chân hơn, khi tuyên bố sẽ không phát thải carbon vào năm 2040 thông qua việc “loại bỏ phát thải khỏi toàn bộ các sản phẩm, bao gồm cả ô tô xuất xưởng”. Để làm được điều này, tập đoàn sở hữu thương hiệu Chevrolet đã khởi động các dự án với khoản đầu tư 27 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025, nhằm đạt mục tiêu ban đầu là dừng bán xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035.  

Tại châu Á, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều có lộ trình rõ ràng trong việc dừng sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong. Mới nhất, Honda thông báo sẽ dừng sản xuất xe loại này kể từ năm 2040, hướng tới trung hòa phát thải carbon vào năm 2050. Đây cũng là mốc được “đồng hương” Toyota chọn lựa. 

Tuy nhiên, dù tiến trình điện hóa diễn ra mạnh mẽ, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở việc làm thế nào để có được những sản phẩm điện hóa với mức giá tương đồng xe sử dụng động cơ đốt trong. Điều này đặc biệt khó khăn với các thương hiệu mạnh về xe phổ thông. Đó là chưa kể tới những vấn đề về hạ tầng sạc, chính sách pháp lý, nguồn cung phụ tùng và công nghệ pin. Chỉ khi những rào cản này được giải quyết trơn tru, ô tô chạy điện mới thực sự cất cánh. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các hãng ô tô đua nhau "đặt lịch" dừng bán xe trang bị động cơ đốt trong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.