(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, nhiều nước đã và đang đưa ra những chính sách kích thích kinh tế, bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Trong đó có việc tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) nước ta. Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nhập khẩu...
Theo Bộ Công thương, các biện pháp tự vệ thương mại đã được nhiều nước sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong nước. Vì vậy, khi tham gia thị trường quốc tế, chúng ta đã phải chịu tới vài chục vụ kiện chống bán phá giá. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, để bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình cả ở thị trường thế giới cũng như trong nước, các DN cần phải chủ động. Để tránh bị kiện khi xuất khẩu (XK) sản phẩm, ngoài việc cập nhật thông tin về thị trường, DN cần sớm phát hiện nguy cơ bị kiện, trên cơ sở quan sát đối thủ của mình, để có thể kịp thời điều chỉnh đơn giá, lượng hàng XK...
Hiện nay, các văn bản pháp lý của nước ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại đã khá đầy đủ, nhưng DN của ta chưa khởi kiện được các đối tác nước ngoài. Tình trạng đó không phải do hàng hóa nhập khẩu không gây tổn hại cho hàng hóa trong nước, tiến trình tự do hóa thương mại không xảy ra mâu thuẫn giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Chẳng hạn như, vụ sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng boron (Bo) lách luật trốn thuế vào nước ta, các DN thép đều khẳng định họ bị thiệt hại, nhưng lại không tập hợp được các yếu tố cần và đủ để khởi kiện. Để giúp DN trong nước bảo vệ được mặt bằng giá và chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng, không chỉ cần sự nỗ lực của DN, mà các cơ quan quản lý cũng phải chủ động phối hợp với DN trong việc cung cấp các số liệu chính thức, tư vấn pháp lý...
Kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp, việc XK gặp nhiều khó khăn, việc thiết lập cơ chế quản lý phân phối hàng hóa đủ mạnh để làm chủ thị trường được coi là giải pháp quan trọng mang tính quyết định thúc đẩy phát triển SXKD, duy trì tăng trưởng bảo đảm an sinh xã hội. Những năm gần đây, lưu thông hàng hóa và thị trường trong nước nói chung, các hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường bán lẻ nói riêng đã có bước phát triển đáng ghi nhận, với tổng mức bán lẻ hàng hóa liên tục tăng trên dưới 20%/năm. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn bộc lộ nhiều hạn chế về hệ thống phân phối, dễ bị tổn thương, ứng phó yếu trước các diễn biến bất thường về quan hệ cung cầu, giá cả trong nước và thế giới.
Tính đến thời điểm này, thị trường trong nước còn rất ít DN và hệ thống phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, nhân lực, công nghệ quản lý, điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa. Trong khi đó, lại có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, làm thị trường manh mún, làm cho lợi ích của người tiêu dùng không được tôn trọng. Nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp chưa thực sự đi vào đời sống, tác dụng cũng như hiệu lực, hiệu quả chưa rõ, chưa cao. Vì vậy, ngành chức năng cần thiết lập một cơ chế đủ mạnh để các DN trong nước làm chủ được thị trường, khi đó việc sản xuất và người tiêu dùng trong nước mới được bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.