Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các DN đầu mối phải chịu trách nhiệm khi phân phối

Lan Hương| 21/02/2012 14:29

(HNMO) - Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý 237 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.685.820.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm.


Trong đó có 103 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh; 09 vụ vi phạm về giá; 19 vụ vi phạm về đo lường;37 vụ vi phạm về chất lượng; 02 vụ vi phạm về xuất lậu xăng dầu; ngoài ra có 48 vụ vi phạm khác.

Xiết chặt quản lý xăng dầu

Trước các vụ việc vi phạm nhiều, gây bức xúc dư luận trên và để tăng cường công tác quản lý chất lượng xăng dầu trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai ngay một số biện pháp. Theo đó, về phía Cục Quản lý thị trường (thuộc cơ quan Bộ Công Thương) phải phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đặc biệt là chất lượng xăng dầu, điều kiện kinh doanh xăng dầu, quy định về đại lý kinh doanh xăng dầu (tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một doanh nghiệp đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một doanh nghiệp đầu mối).

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phải làm đơn vị đầu mối tiếp thu ý kiến, rà soát lại các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm về quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Vụ Thị trường trong nước cũng làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý...) phù hợp tình hình thực tế.

Ngoài ra, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công thương phối hợp rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Tiếp đó, đối với các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình (từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ); Rà soát, hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng từng khâu (từ nhập khẩu đến khâu bán lẻ); Tăng cường kiểm tra, giám sát các khâu, nhất là vận chuyển từ tổng kho của các doanh nghiệp đầu mối về Tổng đại lý, đại lý và từ Tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ.

Các doanh nghiệp đầu mối cũng cần chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí và người tiêu dùng về tình hình kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu trong hệ thống của mình; Chủ động hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước chức năng Trung ương và địa phương nhất là với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường… trong việc kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối xăng dầu để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.



Lập lại thị trường gas

Mặt khác, với mặt hàng gas, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Gas Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước để thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh gas nhằm lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gas chân chính.

Bộ cũng đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp kinh doanh gas tự bản thân mình và/hoặc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin tới người tiêu dùng về sử dụng gas an toàn; kịp thời thông tin cho lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh gas cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; đồng thời làm tốt công tác đăng ký giá, niêm yết và các quy định liên quan trong hệ thống phân phối của mình, bao gồm cả các cơ sở đại lý, bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật về đại lý.

Cục Quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị định số 105/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; Tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; kịp thời ngăn chặn hành vi chiết nạp gas lậu; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng về xử lý vi phạm về giá trong kinh doanh gas; điều tra, xử lý ngay phản ánh của doanh nghiệp kinh doanh gas về hiện tượng chiết nạp gas lậu.

Ngoài ra, Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của Hiệp hội và các doanh nghiệp kinh doanh gas về chính sách tỷ giá để bảo đảm sự chủ động của doanh nghiệp trong nhập khẩu gas, không quá tập trung vào một đầu mối để tránh rủi ro khi có vấn đề xẩy ra; Tổng cục Năng lượng, chỉ đạo, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp về việc đấu giá gas (LPG) sản xuất nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các DN đầu mối phải chịu trách nhiệm khi phân phối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.