(HNMO) - Ngày 26-12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về những kết quả nổi bật về công tác chuyển đổi số của ngành.
Đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đang quản lý cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân và hộ gia đình, kết nối trực tuyến với 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ/năm, trong đó khoảng 170 triệu lượt hồ sơ/năm đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Trong khi đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Vì thế, việc đẩy mạnh chuyển đổi số vừa là giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, vừa góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ số.
Thực hiện công tác chuyển đổi số, đến nay, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã kết nối, chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu của hơn 71 triệu nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu trong thời gian tới. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã hoàn thành việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) để người dân đi có thể dùng thẻ BHYT điện tử phục vụ khám, chữa bệnh BHYT. Nhờ đó, cả nước đã có 12.024 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt tỷ lệ gần 94%) tổng số cơ sở y tế.
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch đện tử, BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Đó là tích hợp, cung cấp dịch vụ gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng, thực hiện từ tháng 7-2022. Theo tính toán, chỉ cần 50% số người tham gia BHYT theo hộ gia đình sử dụng dịch vụ này theo hình thức trực tuyến thì sẽ tiết kiệm được ít nhất 850 tỷ đồng.
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, ban hành dịch vụ công trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử; đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí)… Cùng với đó, ngành BHXH phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai sổ sức khỏe điện tử; chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng dịch vụ quốc gia…
Dấu ấn đặc biệt trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH còn thể hiện rõ qua việc ứng dụng công nghệ sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp nhằm hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Công nghệ này cũng được triển khai thí điểm để khám, chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện, trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của một số địa phương…
Đến thời điểm này, các dịch vụ số nêu trên của ngành BHXH đều mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.