Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các địa phương quản lý bệnh nhân Covid-19 bằng phần mềm

Nhóm phóng viên| 15/01/2022 16:32

(HNMO) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng, toàn thành phố Hà Nội đã chuyển sang tập trung quản trị, quan tâm đến các đối tượng rủi ro, nguy cơ cao, số người mắc bệnh (F0) thể nhẹ hoặc không triệu chứng đủ điều kiện được điều trị tại nhà. Theo đó, thành phố yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm quản lý bệnh nhân Covid-19, giao các bộ phận chuyên môn thường xuyên tương tác để nắm bắt, hướng dẫn kịp thời cho các F0, chủ động kiểm tra, không để người dân bức xúc.

Trạm y tế online đầu tiên ở Thủ đô tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) được thiết lập trên Facebook và kết nối với từng khu dân cư, tổ dân phố để kịp thời tiếp nhận thông tin, chăm sóc các trường hợp bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Đẩy mạnh quản lý bệnh nhân Covid-19 bằng phần mềm

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, Trạm y tế online đầu tiên ở Thủ đô tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) được thiết lập trên Facebook và kết nối với từng khu dân cư, tổ dân phố để kịp thời tiếp nhận thông tin, chăm sóc các trường hợp bệnh nhân Covid-19 tại nhà...

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, người dân và các trường hợp F0, F1, nếu có bất cứ thắc mắc hoặc cần sự hỗ trợ về thông tin, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, các nhu cầu khác thì chỉ cần thông tin đến Trạm y tế online, sẽ được hỗ trợ ngay.

Trạm y tế online này cũng được kết nối các tài khoản mạng xã hội Zalo từ UBND phường đến các tổ dân phố trong công tác phòng, chống dịch. Các F0, F1 được chăm sóc chu đáo, kịp thời 24/7, rút ngắn khoảng cách về không gian, thời gian giữa người dân, bệnh nhân mắc Covid-19 với cán bộ y tế.

Trạm y tế online đầu tiên ở Thủ đô tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) được thiết lập trên Facebook và kết nối với từng khu dân cư, tổ dân phố để kịp thời tiếp nhận thông tin, chăm sóc các trường hợp bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Giáp Thị Thanh Nhàn cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND phường đã triển khai tới các cán bộ, nhân viên y tế, các Trạm y tế lưu động ở địa bàn dân cư; đồng thời, phối hợp Trung tâm y tế quận tập huấn sử dụng phần mềm cho thành viên 13 tổ dân phố có người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà.

Bà Giáp Thị Thanh Nhàn cho biết thêm, tất cả lãnh đạo UBND phường cũng đã cài đặt phần mềm quản lý F0 để nắm bắt chung. UBND phường giao nhiệm vụ cho Trưởng trạm y tế phường chịu trách nhiệm theo dõi, điều hành các thành viên sử dụng hiệu quả phần mềm này.

Cán bộ cơ sở phường Việt Hưng (quận Long Biên) quan tâm, hỗ trợ chuyển thực phẩm tới hộ dân có F0 đang cách ly tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Thị Chiên cho biết, hiện trên địa bàn phường có 70 F0 đủ điều kiện cách ly và điều trị tại nhà. UBND phường đã thành lập 7 tổ tình nguyện, gồm 37 thành viên chăm sóc các trường hợp này.

Trong đó, nhiệm vụ của các tổ tình nguyện là thống kê các F0 rồi cập nhật thông tin trên phần mềm quản lý F0 tại nhà, sau đó, treo biển ở các gia đình có F0, phát gói thuốc A cho bệnh nhân; yêu cầu các gia đình ký cam kết cách ly tại nhà qua phần mềm... Tổ tình nguyện cũng nhắc nhở các F0 khai báo sức khỏe hằng ngày, chấm điểm để theo dõi trên phần mềm; chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho các F0 tự cách ly tại nhà.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn cho biết, quận đã đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn. Quận huy động các nguồn lực hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở thu dung, điều trị F0, cách ly F1 và Trạm y tế lưu động tại 21 phường.

Quận Đống Đa bố trí điều trị những bệnh nhân nặng ở Trạm y tế lưu động số 1 tại ký túc xá Trường Đại học Thủy lợi. Quận cũng chỉ đạo các phường thành lập Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà, mỗi ngày 2 lần kiểm tra, nắm bắt tình hình, diễn biến sức khỏe của người bệnh, sau đó báo cáo về Ban Chỉ đạo của phường và báo cáo qua phần mềm quản lý Covid, qua Zalo...

Bố trí bình ô xy ở Trạm y tế xã Dương Quang (huyện Gia Lâm) để hỗ trợ các y, bác sĩ điều trị F0.

Huy động các lực lượng tham gia tổ hỗ trợ Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương cũng huy động lực lượng từ các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, tham gia tổ hỗ trợ Covid-19 để giúp các bệnh nhân vượt qua dịch bệnh.

Tại địa bàn xã Yên Thường (huyện Gia Lâm), đều đặn mỗi buổi sáng hằng ngày, các thành viên của Tổ hỗ trợ F0 trên địa bàn xã thay phiên nhau đưa túi thuốc điều trị Covid-19 cho các F0 cách ly tại nhà và hướng dẫn họ cách sử dụng, chăm sóc sức khỏe cũng như động viên tinh thần người bệnh.

Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Minh cho biết, chung tay trong công tác phòng, chống dịch và góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế cơ sở, 22 Tổ nhập liệu và 107 Tổ hỗ trợ F0 của thanh niên huyện đảm nhận việc nhập thông tin lên phần mềm quản lý tiêm chủng vắc xin, cập nhật dữ liệu trên phần mềm quản lý F0; tư vấn cho các F0 khi cần sự hỗ trợ điều trị; cung cấp và giao bình ô xy cho các trường hợp cần hỗ trợ thở máy; cấp phát các túi thuốc A, B, C đến các đối tượng...

Tại địa bàn thị xã Sơn Tây, từ ngày 16-11-2021 đến nay, ghi nhận 590 trường hợp F0. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, các Trạm y tế lưu động của thị xã đã tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Thị xã cũng dự trù thêm 3 Trạm y tế lưu động với công suất 600 giường bệnh, sẵn sàng hỗ trợ điều trị F0.

Đặc biệt, các xã, phường, lực lượng chức năng thị xã Sơn Tây cũng đã cài đặt phần mềm để cập nhật, quản lý và hỗ trợ các ca nhiễm kịp thời; chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình, theo dõi, cập nhật dữ liệu điều trị bệnh nhân hằng ngày. Bên cạnh đó, toàn thị xã đã có 138.450 lượt khai báo y tế qua hệ thống các phần mềm; thiết lập 9.915 điểm khai báo QR Code của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lứa tuổi 15-17 ở huyện Mê Linh đạt cao.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, với tinh thần "Bình tĩnh, chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả", huyện luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố và diễn biến mới của dịch bệnh để triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Công tác thu dung, điều trị F0 và quản lý, cách ly F1 được thực hiện có hiệu quả. Huyện đã tăng cường năng lực quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà bằng phần mềm công nghệ thông tin và thành lập các nhóm Zalo để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Lãnh đạo huyện Đông Anh kiểm tra Trạm y tế lưu động tại xã Cổ Loa.

Tại huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám thông tin, huyện có 13 Trạm y tế lưu động đang thu dung, điều trị F0. Huyện đã yêu cầu các Trạm y tế lưu động, bệnh nhân F0 tại nhà triển khai phần mềm chăm sóc, quản lý ca bệnh, trả kết quả xét nghiệm... Huyện đã chỉ đạo 214 Tổ hỗ trợ theo dõi F0 điều trị tại nhà phối hợp chặt chẽ với Trạm y tế lưu động trong theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, thành lập nhóm Zalo với các bệnh nhân, thực hiện việc thăm hỏi, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc đúng quy định.

Để tăng cường công tác quản lý địa bàn, huyện Đông Anh yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng rà soát từng hộ gia đình, lập danh sách người dân từ nước ngoài hoặc các vùng dịch khác có nhu cầu, lịch trình về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. 

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương quản lý bệnh nhân Covid-19 bằng phần mềm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.