Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các địa phương, đơn vị của Hà Nội: Duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với lan tỏa giá trị nhân văn

Nhóm phóng viên| 30/12/2020 11:02

(HNMO) - Năm 2020 sắp khép lại trong sự nỗ lực không ngừng của toàn thể các cấp, các ngành, nhân dân Thủ đô để vượt qua khó khăn, thách thức chưa từng có trong khống chế dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (kết thúc ngày 29-12), các đơn vị, địa phương của thành phố thêm một lần nhìn lại kết quả đạt được của năm 2020 để triển khai các nhiệm vụ mới với tinh thần quyết liệt, hiệu quả hơn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu:
Lan tỏa tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi”

Năm 2020, giữa bộn bề khó khăn, những giọt máu nghĩa tình mà nhân dân Thủ đô hiến tặng đã tiếp thêm sự sống cho nhiều người bệnh; những phần quà, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu từ Hà Nội đã được kịp thời chuyển đến người nghèo, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ… Điều đó phần nào cho thấy, càng trong gian khó thì tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” càng được thể hiện rõ nét, tỏa sáng.

 Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu (ngoài cùng bên phải) tặng quà và trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Bình.

Năm 2020, toàn thành phố tiếp nhận được gần 300.000 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu đề ra. Các chương trình, hoạt động mang ý nghĩa chia sẻ với đồng bào một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đạt tổng trị giá hơn 44 tỷ đồng. Từ nguồn lực hỗ trợ này, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và các địa phương đã tổ chức 5 đợt đi thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở miền Trung.

Cũng trong năm 2020, các tổ chức, cơ sở Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã vận động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ… Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, những năm tiếp theo, đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiếp tục chung sức, đồng lòng, kịp thời động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố bạn.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện:
Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ

Năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng chương trình công tác của Đảng bộ cơ quan và Chương trình công tác trọng tâm năm 2021 của Sở theo hướng phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ thời gian thực hiện và hoàn thành.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện.

Trong công tác chuyên môn, Sở tiếp tục hoàn thiện, trình UBND thành phố Hà Nội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là hệ thống đường vành đai, các nút giao thông, cầu vượt sông, các tuyến đường có tính kết nối..., bảo đảm năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 10,32-10,37%; phấn đấu khắc phục 10/26 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và xử lý dứt điểm 19 điểm đen tai nạn giao thông.

Cùng với đó, thực hiện mở mới và hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt để tăng tính kết nối, trung chuyển với các tuyến đường sắt đô thị sau khi đi vào hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông; tăng cường cải cách hành chính...

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý

Năm 2020, quận Tây Hồ thu ngân sách đạt hơn 4.400 tỷ đồng, vượt 132% kế hoạch dự toán được giao. Quận cũng đã triển khai giải phóng mặt bằng 32 dự án; tiếp tục đầu tư, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 17 trường học với tổng kinh phí 168 tỷ đồng (tăng 130 phòng học so với năm 2019); đầu tư nâng cấp 25 dự án ngõ, xóm với tổng kinh phí 65 tỷ đồng. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị được kiểm soát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn giữ ổn định…

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến.

Năm 2021, quận Tây Hồ tiếp tục phát huy các nguồn lực, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp; đồng thời, tổ chức triển khai tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện chủ đề công tác năm của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của một số ngành chủ yếu đạt 13,61%; phấn đấu có thêm 2 trường học đạt chuẩn quốc gia…

Ngoài ra, quận đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát cơ sở để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hướng tới phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021…

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường:
Triển khai nhiều giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế 

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Hoài Đức đạt 23.520 tỷ đồng, tăng 10,74% so với năm 2019, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp là 1.243 tỷ đồng, đạt 100,73% kế hoạch năm, tăng 4,19% so với năm 2019; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 10.542 tỷ đồng, tăng 8,71% so với năm 2019; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ 11.735 tỷ đồng, tăng 13,39% so với năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện gần 2.398,6 tỷ đồng, đạt 164% so với dự toán thành phố giao...

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường.

Bước sang năm 2021, huyện Hoài Đức tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận, phường theo đề án, như: Tiếp tục đề xuất với thành phố chủ trương lập quy hoạch chi tiết khu vực ngoài đô thị, quỹ đất tái định cư phục vụ các dự án; triển khai thực hiện một số tuyến giao thông kết nối khu dân cư, khu đô thị với các tuyến đường trục chính, dự án hạ tầng xã hội, khu cây xanh, thể thao...

Đặc biệt, để duy trì tăng trưởng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ kịp thời nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư vào các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn tại một số vị trí theo quy hoạch; chú trọng phát triển thị trường, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân; tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025... 

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh:
Quyết tâm xây dựng thị xã trở thành đô thị xanh văn minh

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh.

Mặc dù nền kinh tế của thị xã phải chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của thời tiết... nhưng năm 2020, thị xã vẫn hoàn thành các mục tiêu đặt ra: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất ước đạt 9,9% (đạt 100% so với kế hoạch); thu ngân sách thị xã và các xã, phường ước thực hiện 1.414,328 tỷ đồng, đạt 133,3% dự toán thành phố giao... Đặc biệt, năm 2020, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Tập trung thực hiện công tác quy hoạch, tiến tới xây dựng thị xã trở thành đô thị xanh văn minh, thị xã cũng đã báo cáo UBND thành phố cho phép tiến hành lập các quy hoạch phân khu; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn...

Năm 2021, thị xã quyết tâm duy trì, nâng cao tốc độ, tăng tổng giá trị sản xuất từ hơn 10,1% trở lên; thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiến hành lập các quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã theo thẩm quyền; tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tại các xã; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện có hiệu quả các chính sách đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương, đơn vị của Hà Nội: Duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với lan tỏa giá trị nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.