(HNMO) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023 diễn ra chiều 3-3, một số cơ quan báo chí đã đề nghị đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về việc lựa chọn môn thi vào lớp 10 của các địa phương hiện nay. Cụ thể là vấn đề công bằng và giảm áp lực cho thí sinh đang được dư luận quan tâm khi có địa phương tổ chức thi 3 môn hoặc xét tuyển vào lớp 10. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng hệ số nhân đôi điểm môn văn, toán không còn phù hợp.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ đã ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT, việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển giao quyền chủ động cho các địa phương thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND cấp tỉnh để phê duyệt kế hoạch, quyết định môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi, điểm cộng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích, khi số lượng thí sinh muốn vào học lớp 10 THPT lớn hơn chỉ tiêu, điều kiện đáp ứng của các trường; hoặc trường chuyên có nhiều học sinh muốn thi vào thì cần thiết phải tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển. Như vậy, các địa phương tùy theo đặc điểm, căn cứ vào số lượng học sinh dự thi và chỉ tiêu thí sinh của các trường ở địa bàn đó có thể tiếp nhận để quyết định phương án phù hợp.
Ví dụ ở địa phương mà các trường có số chỗ đáp ứng được nhu cầu của học sinh thì việc xét tuyển đơn giản, không căng thẳng, áp lực. Tại các thành phố lớn, có trường chuyên… thì việc tổ chức thi, hay xét tuyển sẽ là vấn đề đáng quan tâm. Vấn đề quan trọng nhất của việc tổ chức thi, xét tuyển chính là phải đảm bảo công bằng, tin cậy trước tiên.
“Dù thi hay xét tuyển thì áp lực cũng không thay đổi, chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, giai đoạn này sang giai đoạn khác khi cung và cầu có sự chênh lệch lớn. Nếu tổ chức thi thì áp lực dồn về thời gian thi. Nếu xét tuyển dựa trên học bạ thì áp lực dàn trải ra các năm học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Nói về việc có sự khác nhau khi lựa chọn thi THPT với 3 hoặc 4 môn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, điều này không ảnh hưởng nhiều đến sự đảm bảo tin cậy, công bằng của thí sinh trong nội bộ từng địa phương. Điều quan trọng đối với đầu vào của các trường THPT là yêu cầu năng lực, kỹ năng… giữa các em học sinh. Điều này thì mỗi địa phương, từng trường sẽ có đánh giá rất kỹ khi chọn 3 hay 4 môn thi.
Liên quan đến ý kiến nhân đôi hệ số điểm môn văn, toán không còn phù hợp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, chương trình giáo dục THPT chú trọng phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là coi nhẹ các môn văn hóa, kiến thức cơ bản. Đối với việc tổ chức thi vào lớp 10, các trường THPT và địa phương cần phải cân nhắc kỹ tình hình, yêu cầu của trường để từ đó có thể quyết định nhân đôi điểm môn văn, toán hoặc ngoại ngữ bởi không phải nhiều em có điều kiện học ngoại ngữ như nhau.
Đối với trường chuyên, việc này hoàn toàn nằm trong quyền tự chủ của địa phương và các Sở Giáo dục để có lộ trình tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.