Kinh tế

Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Giải quyết đồng bộ để phát triểnBài cuối: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Nhóm phóng viên 01/06/2024 - 07:06

Để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, các cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô phải khắc phục được những vướng mắc, bất cập hiện nay, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định và tiếp tục khởi công những cụm công nghiệp mới.

Để đạt mục tiêu đề ra, cách duy nhất là các sở, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt và đồng bộ.

cum-cn.jpg
Cụm công nghiệp Lai Xá (huyện Hoài Đức) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Quang Thái

Tháo gỡ còn chậm

Nhìn thấu những khó khăn ngáng trở quá trình phát triển của một số cụm công nghiệp đang hoạt động, UBND thành phố Hà Nội luôn có những chỉ đạo rốt ráo, đặc biệt với huyện Thạch Thất, nơi còn nhiều vướng mắc trong triển khai các cụm công nghiệp. Cụ thể, năm 2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 398/TB-VP ngày 18-9-2020 kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất để giải quyết một số nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất Vương Văn Chức cho biết, dù còn nhiều tồn tại cũ, phức tạp, song đến nay cũng đã có kết quả nhất định, như: Cụm công nghiệp Kim Quan đã hoàn thành quyết toán vốn đầu tư, xác định được chi phí đầu tư, từ đó xác định được nghĩa vụ tài chính người thuê đất phải nộp; 8 hộ đang được xét duyệt thuê đất (xã trước kia đã xét duyệt), đang chờ huyện thẩm định...

“Để hóa giải những tồn tại, Ban tiếp tục thu thập hồ sơ trình phê duyệt, quyết toán các cụm công nghiệp; đánh giá lại hiện trạng chi đầu tư...”, ông Vương Văn Chức thông tin.

Giải thích thêm về những khó khăn của các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin, đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, về đất đai, vì thành phố chủ trương không giao đất, cho thuê đất từng đợt (đối với phần diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng), nên một số cụm dù đã giải phóng mặt bằng đạt trên 95% nhưng vẫn chưa được giao đất để khởi công xây dựng như: Cụm công nghiệp làng nghề Vân Từ (huyện Phú Xuyên). Bên cạnh đó, một số cụm đã giải phóng mặt bằng xong, đã nộp hồ sơ thuê đất nhưng chưa được UBND thành phố xem xét, như các cụm công nghiệp: Thụy Lâm, Dục Tú, Thiết Bình (huyện Đông Anh); Đình Xuyên (huyện Gia Lâm); Ngọc Liệp phần mở rộng (huyện Quốc Oai)…

Trong khi đó, về quy hoạch, theo Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3-10-2022 của UBND thành phố, những cụm công nghiệp khởi công sau thời điểm Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu lực, sẽ phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 nếu không đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết phải xin lại ý kiến cộng đồng dân cư, khiến thời gian thực hiện kéo dài, không thể khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch...

Cần giải quyết đồng bộ

Để sớm giải quyết những tồn tại cũ - mới nêu trên, rõ ràng, chính quyền các địa phương, các sở, ngành của thành phố cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ. Sự tháo gỡ của thành phố chỉ về mặt định hướng, phương pháp, còn địa phương phải sát sao, trực tiếp vào cuộc. Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 15-1-2024 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 cũng đã đề ra nhiệm vụ, phân công tổ chức thực hiện để giải quyết các tồn tại.

Theo đó, các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động, đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phối hợp với các sở, ngành giải quyết các vướng mắc...

Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, nhằm khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, phòng, chống cháy nổ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND. Theo đó, các dự án đầu tư thứ phát trong cụm công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 2.000m2, trong cụm công nghiệp làng nghề phải có diện tích tối thiểu 1.000m2 để có đủ mặt bằng cho sản xuất hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường.

Còn về vấn đề cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm tại cụm công nghiệp, theo bà Trần Thị Phương Lan, ngày 17-4-2024, Ban Cán sự đảng UBND thành phố ban hành Thông báo số 179-TB/BCSĐ kết luận, thống nhất chủ trương cho phép xem xét nhu cầu của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được UBND thành phố quyết định cho thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Như vậy, về tổng thể, tồn tại cả cũ và mới trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đều đã có định hướng giải quyết. Đề nghị các địa phương có lộ trình cụ thể trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các cụm công nghiệp vào vận hành đúng quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Giải quyết đồng bộ để phát triển Bài cuối: Cần sự vào cuộc quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.