Kinh tế

Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Giải quyết đồng bộ để phát triểnBài 2: Phát sinh bất cập khi xây dựng hạ tầng

Nhóm phóng viên 31/05/2024 - 06:42

Những tồn tại trong các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Trong khi đó, quá trình triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp mới, đã có quyết định thành lập trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, cũng nảy sinh không ít bất cập. Thực tế này khiến cho tiến độ triển khai các cụm công nghiệp bị chậm lại.

cum-cong-nghiep-lang-nghe-p.jpg
Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) vẫn còn vướng điều chỉnh quy hoạch chi tiết nên nhiều hộ thuê đất chưa thể xây dựng nhà xưởng. Ảnh: Thu Hằng

Chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân

Theo báo cáo của Sở Công Thương, ngoài 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trên địa bàn Hà Nội hiện có 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018-2020 với tổng diện tích 742ha, đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: 12 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2 (phần diện tích còn lại theo quy hoạch của các cụm công nghiệp đang hoạt động); 31 cụm công nghiệp thành lập mới theo quy hoạch.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5-2024, mới có 24 cụm công nghiệp được thành phố có quyết định giao đất và tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, còn 19 cụm công nghiệp vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhưng chưa được thành phố giao đất nên chưa thể khởi công.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Trương Vinh Quang cho biết, huyện có 4 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018-2020, nhưng đến nay mới có 2 cụm đã hoàn thiện và cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để thu hút đầu tư là Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc. Hiện, mới có Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc đi vào hoạt động, nhưng đang có vướng mắc vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với thực tế. Nhiều hộ đã thuê đất tại đây vẫn phải để đất trống, chưa được xây dựng.

“Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết để các hộ thuê đất trong cụm sớm xây dựng nhà xưởng, đi vào sản xuất”, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Minh Trần Văn Hiến - chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc kiến nghị. Riêng Cụm công nghiệp Vân Từ, đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ.

Tại huyện Sóc Sơn, 4 cụm công nghiệp đang được triển khai, thì cả 4 đều dang dở do những vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như, Dự án Cụm công nghiệp CN2 (xã Mai Đình), dù chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đã tiến hành được 39,95/50,55ha đất, song do chưa được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo quy định nên chưa thể khởi công xây dựng…

Trăn trở từ nhiều phía

Tìm hiểu tại một số địa phương, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp đang tích cực phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công, tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng tại một số cụm công nghiệp gặp khó khăn, một số hộ dân có đất trong dự án chưa đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng.

Hơn nữa, do Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua nên một số hộ dân cố tình kéo dài thời gian, chờ đợi chính sách mới trong giải phóng mặt bằng...

Ở khía cạnh khác, người dân một số địa phương đang băn khoăn khi Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3-10-2022 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định, diện tích tối thiểu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề thuê để sản xuất, kinh doanh là 1.000m2 trong các cụm công nghiệp làng nghề.

Ông Nguyễn Trọng Ch., ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) cho rằng, với đặc thù các làng nghề truyền thống như địa phương, quy định tối thiểu phải thuê 1.000m2/lô đất là chưa sát với thực tiễn, vì nhiều hộ không có nhu cầu sử dụng cũng như khả năng chi trả với diện tích lớn như vậy. Nếu liên doanh, liên kết thì khó hợp tác lâu dài.

“Huyện Ứng Hòa đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp Cầu Bầu - giai đoạn 2 và Xà Cầu - giai đoạn 2 (xã Quảng Phú Cầu). Song, với quy định trên, nhiều hộ làm nghề tại đây sẽ không đủ năng lực tài chính để thuê đất tại các cụm công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ vẫn tiếp tục sản xuất tại nhà, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Trang Văn Viễn chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít hộ gia đình, cá nhân hay doanh nghiệp tại các làng nghề Hà Nội cho rằng, quy định về việc trả tiền thuê đất hằng năm tại các cụm công nghiệp khiến người sử dụng đất khó thế chấp để vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; nếu được vay thì số tiền cũng khó đáp ứng nhu cầu thực tế…

Đây chính là những nguyên nhân khiến việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp mới trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn, cần sớm có biện pháp tháo gỡ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Giải quyết đồng bộ để phát triển Bài 2: Phát sinh bất cập khi xây dựng hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.