Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986: Những giá trị không thể bỏ qua

Thúy Đinh| 29/04/2023 10:02

(HNMCT) - Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1954-1986, ở miền Bắc nước ta có nhiều công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc cũng như quy hoạch. Xác định phương hướng bảo tồn như thế nào đối với các công trình kiến trúc này, đó là câu hỏi được đặt ra với các nhà chuyên môn, để chúng ta không bỏ qua lớp kiến trúc “cũ, nhưng chưa đủ cổ”, những giá trị nghệ thuật gắn với một thời kỳ gian khó của đất nước.

Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Cung Thiếu nhi, Khách sạn Thắng Lợi... là những công trình kiến trúc tiêu biểu giai đoạn 1954-1986.

Chuyện về bức tranh tường…

Cách đây 3 năm, báo chí thông tin về việc UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường do họa sĩ Trường Sinh sáng tác vào năm 1982, tại ngã tư Chợ Mơ, về một địa điểm mới để bảo tồn. Kinh phí di chuyển do ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế, Giám đốc dự án thuộc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tài trợ.

Trước đó, hai bức tranh cổ động có giá trị của cố họa sĩ Trường Sinh, đặt tại ngã tư Chợ Mơ (ngã tư phố Bạch Mai - Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định - Đại La), có nguy cơ bị phá để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2. Hai bức tranh đó đã được di dời, một bức đặt ở nhà họa sĩ Trường Sơn (con trai họa sĩ Trường Sinh) tại Ba Vì, một bức đặt tạm ở vỉa hè đường Trần Quang Khải, gần Cầu Long Biên, với ý tưởng góp phần tạo nên trục kết nối cụm không gian nghệ thuật đô thị quan trọng của Hà Nội, gồm Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng - Dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng - Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Tuy vậy, sau đó, tranh cổ động vẫn chưa được dựng lên.

Họa sĩ Trường Sơn chia sẻ: “Không nói đến tiền mà ở đây là câu chuyện thủ tục. Tôi có thể giúp bằng quan hệ nhất định vì tôi là con của tác giả. Nhưng người ký hợp đồng ấy không phải là tôi vì tôi là cá nhân”.

Như vậy, chi phí cho việc dựng bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh vẫn do ông Martin Rama tài trợ, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND quận Ba Đình đã đồng ý nhưng vẫn chưa có ai đứng ra dựng bức tranh ấy lên. Dường như chúng ta đang có sự hoài nghi với những tác phẩm nghệ thuật từ quá khứ, mà ở đây là một bức tranh gắn với thời kỳ ngặt nghèo của đất nước.

“Thời bao cấp có giá trị lịch sử của nó" - họa sĩ Trường Sơn nói, khi lưu ý về giá trị lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong thời kỳ này.

Ký ức về một thời gian khó

Là ký ức không thể nào quên của biết bao thế hệ thiếu nhi, Cung thiếu nhi Hà Nội được ví như tà áo tinh thần che chở cho hàng vạn trẻ em tại Thủ đô được học tập, vui chơi và giáo dục về thẩm mỹ cũng như thể chất. Nhưng, khi công trình Cung thiếu nhi mới đang được xây dựng ở quận Cầu Giấy, chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng, người ta lại nhớ về Cung thiếu nhi Hà Nội tọa lạc gần hồ Hoàn Kiếm với nỗi lo công trình này sẽ bị đập bỏ hoặc bị chuyển đổi công năng. KTS Trần Huy Ánh cho rằng: Phải dành những không gian sáng tạo ấy để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho trẻ nhỏ. Hoạt động tại Cung thiếu nhi Hà Nội thiếu phong phú là do nhiều nguyên nhân, nhưng điều quan trọng là những con người vận hành công trình đó và nhận thức của nhà quản trị với những mục tiêu lâu dài dành cho con trẻ như thế nào.

Mang nỗi niềm của một thế hệ kiến trúc sư trưởng thành trong thời kỳ đất nước vừa thống nhất, KTS Nguyễn Tiến Thuận cũng nhắc lại dự án nâng cấp, cải tạo khách sạn Thắng Lợi được đề xuất cách đây mấy năm và nỗi lo chung cho những công trình có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, nằm ở vị trí "vàng", bị phá bỏ. Khách sạn Thắng Lợi được xây dựng từ những năm đầu thập niên 1970, là món quà đặc biệt thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, có quy mô 156 phòng và là khách sạn lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

KTS Nguyễn Tiến Thuận cho rằng: Cải tạo hay xây một khách sạn hiện đại ở vị trí khách sạn Thắng Lợi, với quy mô lớn hơn nhiều, đó là ý tưởng quá tệ. Khách sạn Thắng Lợi là cả một câu chuyện lịch sử, mang ý nghĩa chính trị. Không chỉ là câu chuyện lịch sử của hai đất nước, hai dân tộc, mà còn là câu chuyện của những người làm nghề.

Bảo vệ bằng Luật Di sản

Những ví dụ nói trên cho thấy dường như chúng ta chưa quan tâm đầy đủ tới giá trị của những công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986. Chừng nào chưa hoàn thiện được hành lang pháp lý giúp bảo vệ các công trình kiến trúc tiêu biểu ở giai đoạn này thì chừng đó, các công trình ấy còn đứng trước nguy cơ mất đi giá trị nguyên bản trước sức ép hiện đại hóa.

TS.KTS Đặng Hoàng Vũ là người đang trực tiếp tham gia đề tài nghiên cứu “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam”, cụ thể là xác định giá trị công trình xây dựng giai đoạn 1954-1986 ở các địa phương phía Bắc, cho rằng: Khảo sát toàn bộ các công trình được xây dựng từ năm 1954-1986 sẽ là bước khởi đầu để chọn ra những công trình tiêu biểu, từ đó có phương án bảo tồn hợp lý. Điều quan trọng là cần khảo sát, phân loại, xếp hạng các công trình được xây dựng trong thời kỳ 1954-1986. Việc đánh giá, xếp loại các công trình tiêu biểu cần được tiến hành để chúng ta có cơ chế bảo vệ các công trình này bằng Luật Di sản.

Theo ý kiến chung của các chuyên gia, các công trình kiến trúc là sản phẩm vật chất của xã hội, nếu còn có giá trị sử dụng thì nên để cho mọi người được dùng, còn những cái lạc hậu, không thể phát huy được tác dụng mà lại nằm ở vị trí cản trở sự phát triển thì đương nhiên phải bỏ đi. Nhưng trong quá trình ấy, cần có sự cân nhắc kỹ càng để lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Đồng ý là cần phát huy công năng của các công trình có giá trị trong thời đại ngày nay, nhưng đồng thời cũng cần bảo tồn, tu bổ một cách thận trọng, hợp lý để giữ gìn giá trị gốc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của những công trình ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986: Những giá trị không thể bỏ qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.