(HNM) - Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 10 tháng năm 2021, tổng số việc phải thi hành án trong toàn quốc là gần 800 nghìn việc, tương ứng với số tiền gần 284 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số việc có điều kiện thi hành là hơn 620 nghìn việc, tương ứng với số tiền hơn 150 nghìn tỷ đồng (chiếm 78% trong tổng số việc và 53% trong tổng số tiền phải thi hành). Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 410 nghìn việc, hơn 38 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 66% về việc và trên 25% về tiền trên số việc, tiền có điều kiện thi hành.
Kết quả thi hành án dân sự được xác định dựa trên số việc, tiền có điều kiện thi hành này. Tuy nhiên, cách xác định việc thi hành án dân sự có điều kiện theo các tiêu chí hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, theo quy định của Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21-11-2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, thì việc hoãn thi hành án theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự được xếp vào loại có điều kiện thi hành án. Nhưng thực tế đây là việc mà tại thời điểm báo cáo cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải dừng mọi hoạt động thi hành án cho đến khi hết thời hạn các đương sự thỏa thuận hoãn. Thời gian dừng việc thi hành án này có thể kéo dài qua nhiều kỳ báo cáo làm cho số có điều kiện thi hành xong tăng tại mỗi kỳ báo cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.