(HNM) - Hiện các địa phương đang hoàn thành thu hoạch lúa xuân và làm đất triển khai vụ mùa. Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo nông dân cần chú ý đến vấn đề làm đất, chọn giống… để đạt hiệu quả cao nhất.
* Làm đất với lúa mùa rất quan trọng. Nếu không làm đất tốt, gốc rạ không kịp phân hủy, cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Biểu hiện bệnh là sau cấy khoảng một tháng, khi lúa đang đẻ nhánh rộ thì lá lúa biến vàng, thối nõn, rễ vàng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Nguyên nhân là do làm đất muộn nên đất chưa kịp ngấu, gốc rạ không kịp phân hủy đã cấy ngay. Khi nhiệt độ cao, gốc rạ phân hủy trong điều kiện ngập nước, yếm khí sẽ tạo ra các khí độc như H2S, CH4… làm cây lúa bị ngộ độc.
- Khi lúa bị ngộ độc hữu cơ, không bón thêm phân đạm cho lúa bởi sẽ làm cho lúa ra nhiều lá non mới, kéo dài thời gian sinh trưởng, nếu gặp mưa dông lúa dễ bị bạc lá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Để hạn chế hiện tượng này bà con cần tuân thủ quy trình làm đất, bón phân vụ mùa như sau:
+ Để đất nhanh ngấu, rút ngắn thời gian làm đất thì cần giữ nước lúc gặt.
+ Nên gặt sát gốc rạ, gặt đến đâu thu sạch rơm rạ đến đó. Có thể thu lên bờ hoặc xếp thành đống vào góc ruộng, cứ 1-2 lớp rạ rắc 1 lớp vôi để rạ nhanh mục, sau này dùng làm phân rắc ra ruộng. Rắc 15-20kg vôi bột/sào rồi tiến hành cày dầm, giữ nước, khoảng 5-7 ngày đối với ruộng cấy trà sớm, 7-10 ngày với ruộng cấy trà trung là bừa cấy được.
+ Một số nơi có tập quán gặt lưng cây lúa, sau khi gặt xong, rắc 20-30kg vôi bột/sào rồi lồng dập rạ, giữ nước ngập ruộng sau 10-15 ngày thì bừa cấy.
+ Để giúp cho đất nhanh ngấu, bà con nên sử dụng các loại phân có hàm lượng vi sinh vật cao như Azotobacterin... Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu cung cấp vi sinh vật cho đất, làm tăng độ tơi xốp và sự liên kết các chất hữu cơ trong đất, tăng sức đề kháng cho cây giúp cân bằng sinh thái. Đặc biệt làm gốc rạ nhanh phân hủy, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.
Áp dụng các biện pháp thâm canh sau:
- Sử dụng hạt giống có chất lượng tốt, gieo mạ thưa và chăm sóc đúng kỹ thuật. Chỉ đạo chặt chẽ nông dân khi cấy. Làm cỏ sớm, bón phân cân đối, hợp lý. Chủ động điều tiết nước theo từng giai đoạn sinh trưởng cây trồng.
- Tăng nhanh tỷ lệ lúa chất lượng cao và các giống lúa nếp. Phấn đấu lúa chất lượng cao trên 30%. Ngoài ra các địa phương phải dự phòng giống ngắn ngày khác để phòng trừ bão đầu vụ mới cấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.