(HNMO) - Cùng với việc tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức cách ly và điều trị, ngành y tế đã chuẩn bị 3000 lít hóa chất, 10 tấn chloramin B, 104 máy phun chuyên dụng, 200 bộ bảo hộ an toàn sinh học cho công tác phòng dịch.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhấn mạnh, virus Corona lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết dịch qua đường hô hấp của người bệnh gây ra nhiễm trùng hô hấp nặng, thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam nhưng theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Chính vì vậy, từng cán bộ y tế cần cập nhật kiến thức chuyên ngành để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, tập trung điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh MERS-CoV là yêu cầu của ngành y tế.
Cùng với việc tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức cách ly và điều trị, ngành y tế đã chuẩn bị 3000 lít hóa chất, 10 tấn chloramin B, 104 máy phun chuyên dụng, 200 bộ bảo hộ an toàn sinh học cho công tác phòng dịch. Tại các BV đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để chủ động tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ nhiễm MERS-CoV đầu tiên sẽ được chuyển về điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi dịch bệnh lan rộng, các BV hạng một của thành phố sẽ tổ chức tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Sở Y tế Hà Nội cũng đã thiết lập 5 BV (gồm: BV Đa khoa Đống Đa, BV Đa khoa Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Bắc Thăng Long và BV Hà Đông) lên phương án chủ động cho công tác cách ly, điều trị cho bệnh nhân theo từng tình huống dịch cụ thể.
TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với dịch bệnh MERS-CoV tại BV Đa khoa Đống Đa. Tại đây đã bố trí toàn bộ tầng 3 của khoa truyền nhiễm là khu vực cách ly cùng nguồn nhân lực, thuốc, dịch truyền, phương tiện y tế cần thiết để tiếp nhận, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS-CoV, đồng thời xây dựng quy trình tiếp nhận, cách ly và điều trị đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân đến khám chữa bệnh. Là đầu ngành truyền nhiễm, BV Đa khoa Đống Đa đã lên phương án phối hợp với các chuyên gia của BV Bệnh Nhiệt đới trung ương tập huấn công tác chẩn đoán và điều trị cho cán bộ y tế khoa truyền nhiễm, kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, đầu ngành truyền nhiễm sẽ cử cán bộ hỗ trợ, kiểm tra, giám sát tại khoa truyền nhiễm của BV Đa khoa Bắc Thăng Long để đảm bảo đơn vị này đủ khả năng tiếp nhận nếu có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV được chuyển từ sân bay quốc tế Nội Bài về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.