ã hai tuần sau vụ tiêm ngừa vaccine Priorix của hãng Glaxo SmithKline gây tai biến nghiêm trọng cho 6 trẻ em tại Trung tâm Y tế quận 5 (TP Hồ Chí Minh), trong đó có một trường hợp tử vong, ngành y tế vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây tai biến, tử vong.
Ðã hai tuần sau vụ tiêm ngừa vaccine Priorix của hãng Glaxo SmithKline gây tai biến nghiêm trọng cho 6 trẻ em tại Trung tâm Y tế quận 5 (TP Hồ Chí Minh), trong đó có một trường hợp tử vong, ngành y tế vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây tai biến, tử vong.
Hiện Sở Y tế thành phố phối hợp Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tích cực điều tra theo ba hướng: chất lượng vaccine Priorix; quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine; quy trình kỹ thuật tiêm vaccine tại Trung tâm Y tế quận 5. Khi những xét nghiệm và thí nghiệm khoa học có kết quả sẽ làm rõ nguyên nhân vaccine Priorix gây biến chứng từ khâu nào, đồng thời xác định trách nhiệm cá nhân đơn vị gây ra hậu quả nghiêm trọng đó. Tuy nhiên, trên góc độ quản lý nhà nước về y tế, vụ tai biến nói trên rõ ràng là hệ lụy của quá trình quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng vắc-xin một cách quá lỏng lẻo.
Vaccine Priorix của hãng Glaxo SmithKline được Công ty Zuelig Pharma nhập khẩu ủy thác vào Việt Nam thông qua Công ty Sapharco (TP Hồ Chí Minh). Công ty TNHH Hoàng Ðức (Công ty Hoàng Ðức) có trụ sở tại số 15 đường số 3 cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP Hồ Chí Minh mua vắc-xin Priorix từ nhà phân phối lớn Zuelig Pharma để phân phối lại cho các nơi theo đặt hàng.
Ông Ðặng Văn Tưởng, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Công ty Hoàng Ðức cho biết, 9 giờ 30 phút ngày 25-4, Công ty Hoàng Ðức nhận được đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận 5 mua hơn 100 liều Priorix nhưng lúc đó hàng trong kho của công ty không đủ cho nên công ty đặt mua thêm của Công ty Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma). Ðầu giờ chiều cùng ngày, Phytopharma giao vaccine cho Hoàng Ðức. Hoàng Ðức chở 114 lọ vaccine đầu tiên sang giao cho Trung tâm Y tế quận 5. Khi vừa giao xong, lúc 15 giờ 30 phút, Hoàng Ðức nhận được thêm một đơn đặt hàng nữa của Trung tâm Y tế quận 5, và 10 giờ 30 phút ngày 26-4, Công ty Hoàng Ðức giao 104 liều vaccine còn lại. Công ty Hoàng Ðức bán vaccine cho Trung tâm Y tế quận 5 nhưng hóa đơn lại ghi tên đơn vị bán là Phytopharma.
Nghe giải thích đến đây, chúng tôi thắc mắc, ông Tưởng cho rằng, "trong kinh doanh dược phẩm, chuyện như thế là bình thường" (!). Và ông không tiết lộ gì thêm thủ thuật kinh doanh giữa Hoàng Ðức và Phytopharma. Theo một nguồn tin cho biết, Công ty phân phối Zuelig Pharma cũng thường dùng hóa đơn của Phytopharma để cấp cho khách hàng.
Quy định hiện hành của Bộ Y tế nêu rõ, các công ty nước ngoài chỉ được nhập khẩu vaccine vào Việt Nam thông qua hình thức hợp đồng với công ty có chức năng của Việt Nam và các công ty nước ngoài không được trực tiếp phân phối vaccine trên thị trường Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng trên thực tế, đường đi của vaccine giữa các công ty trong nước và nước ngoài rất lòng vòng. Một số công ty dược phẩm trong nước dựa vào đó làm "cai" cho các công ty nhập khẩu ủy thác và lợi dụng làm đầu nậu bán hóa đơn thu lợi.
Trường hợp Trung tâm Y tế quận 5 mua 218 liều vaccine Priorix nêu trên thì Phytopharma đóng vai trò một nhà phân phối trung gian hay cho mượn tư cách pháp nhân để bán hóa đơn (?) Do Công ty Hoàng Ðức bán 218 liều vaccine Priorix cho Trung tâm Y tế quận 5, trong đó có sáu liều khi tiêm đã gây biến chứng, một trẻ bị tử vong cho nên dư luận quan tâm quá trình phân phối thuốc và tính pháp lý của công ty Hoàng Ðức trong "phi vụ" này.
Quá trình tìm hiểu về chức năng kinh doanh vaccine công ty Hoàng Ðức cho thấy sự buông lỏng công tác quản lý nhà nước về y tế của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế. Công ty TNHH Hoàng Ðức thành lập theo giấy phép 490/GP.UB do UBND TP Hồ Chí Minh cấp ngày 21-3-1995. Ngày 9-1-2001, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân số 02/GCN.HND.DP cho Công ty Hoàng Ðức, cho phép công ty này kinh doanh vaccine, sinh phẩm miễn dịch dùng cho người, bảo đảm chất lượng được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân này do Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Lãm ký, không biết vì sao lại không ghi thời hạn hiệu lực.
Về vấn đề này, ông Ðặng Văn Tưởng thanh minh: "Do trên giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân cho phép công ty Hoàng Ðức kinh doanh vắc-xin không ghi thời gian hết hiệu lực cho nên công ty không biết và vẫn tin rằng mình hoạt động đúng pháp luật".
Theo pháp luật về hành nghề y dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp, nghĩa là giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân nêu trên của công ty Hoàng Ðức có giá trị đến hết ngày 9-1-2006. Do đó việc kinh doanh vắc-xin của Công ty Hoàng Ðức từ ngày 10-1-2006 đến nay là bất hợp pháp.
Sự quản lý "lỏng lẻo" còn thể hiện, Bộ Y tế cử một đoàn thanh tra đến công ty Hoàng Ðức thanh tra hoạt động của công ty này trong thời gian từ 27-2 đến 31-3-2006 nhưng đoàn không phát hiện được công ty Hoàng Ðức kinh doanh vắc-xin với Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực theo luật định.
Theo Thông tư 01/1999/TT-BYT, ngày 10-2-1999 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và giá vắc xin, sinh phẩm miễn dịch dùng cho người, quy định: "Vaccine, sinh phẩm miễn dịch chỉ được mua từ nguồn của các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các công ty kinh doanh dược và trang thiết bị y tế đã được cấp phép của Bộ Y tế cho phép mua bán, sản xuất vaccine, sinh phẩm. Không được mua của bất cứ cá nhân hoặc đơn vị nào chưa được phép sản xuất, kinh doanh vắc-xin, sinh phẩm miễn dịch".
Dù quy định chặt chẽ như vậy, nhưng Trung tâm Y tế quận 5 vẫn mua vaccine của công ty Hoàng Ðức, công ty không có chức năng kinh doanh vaccine, để rồi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Việc sử dụng nguồn vaccine bất hợp pháp của Trung tâm Y tế quận 5 không phải là sơ suất, sai lầm nhất thời, mà xuất phát từ cả một quá trình buông lỏng quản lý của ngành y tế.
Ðiều sai trái khác tại Trung tâm Y tế quận 5 là khi thực hiện tiêm chủng, không cảnh báo cho cha mẹ của trẻ được tiêm biết về những phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine, cho nên lúc có dấu hiệu sốc thuốc, gia đình cháu Nguyễn Thiên Bảo không biết để đưa trẻ đến các cơ sở y tế theo dõi, cứu chữa kịp thời, đúng cách.
Mặt khác, Trung tâm Y tế quận 5 cũng không chú ý theo dõi trẻ sau khi tiêm vaccine Priorix, vì vậy có hai cháu tiêm ngày 8-5 bị tai biến nhưng ngày 9 và 10-5, trung tâm Y tế quận 5 vẫn tiếp tục tổ chức tiêm loại vắc-xin này cho các cháu nhỏ trong quận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng các nhân viên y tế không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc khi tiêm chủng, không hướng dẫn thông tin cho người được tiêm hoặc gia đình họ là khá phổ biến.
Ngành y tế cần sớm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về y tế; nhất là trong việc mua bán, sử dụng các loại vaccine tiêm phòng, nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.
Theo Nhân Dân
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.