(HNM) - Cá tra được coi là ngành kinh tế “tỷ đô” của Việt Nam bởi đã xuất khẩu tới 119 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ đang gặp khó khăn. Để tháo gỡ, các bộ, ngành đang hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng cá tra bị đình trệ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra đưa ra thị trường đạt hơn 644.000 tấn, giảm 5%; xuất khẩu cá tra giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Để tháo gỡ khó khăn, các bộ, ngành đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế.
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp), nhiều năm nay, công ty đều đưa sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc để giới thiệu sản phẩm, song chưa đạt kết quả như mong muốn; trong khi đó, tại thị trường miền Nam, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 700 tấn cá tra.
Bà Nguyễn Thị Hà bán thực phẩm sạch ở phố Bà Triệu (quận Hà Đông) cho biết: “Khoảng 2 năm nay, cửa hàng bán thêm sản phẩm cá tra, mặc dù loại cá này rất ngon, giá vừa phải, nhưng lượng bán ra tại cửa hàng chỉ bằng 1/10 so với mặt hàng khác”.
Lý giải về tình trạng trên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, hiện công tác truyền thông, xây dựng kênh phân phối cá tra của doanh nghiệp còn hạn chế. Người miền Bắc có thói quen sử dụng sản phẩm cá tươi sống, còn sản phẩm cá tra trong quá trình vận chuyển phải bảo quản đông lạnh.
Tuy vậy, gần đây, việc tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa đã có dấu hiệu khả quan hơn khi nhiều doanh nghiệp đã phần nào tìm ra giải pháp. Trong số này có Xí nghiệp Bắc Hà (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico), đơn vị đang tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc.
Ông Dương Thành Chung, Giám đốc Xí nghiệp Bắc Hà cho hay, từ cuối tháng 4-2020 đến nay, đơn vị đã tiêu thụ hơn 100 tấn cá tra. Hiện cá tra nguyên con và cá tra phi lê đã được chế biến thành 20 món ăn và đưa vào suất ăn ở trường học, khu công nghiệp, bếp ăn quân đội trên địa bàn huyện Đông Anh.
“Hiện số lượng cá tra và các sản phẩm từ cá tra được doanh nghiệp cung cấp suất ăn, bếp ăn công nghiệp đăng ký đặt hàng qua xí nghiệp, dự báo trong 3-4 tháng tới đạt khoảng 100 tấn/tháng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường ở Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đồng thời triển khai các dòng sản phẩm cá tra đến bàn ăn của gia đình. Dự kiến đến cuối năm nay, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 230 tấn/tháng”, ông Dương Thành Chung khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng Đức Tiến, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa. Mới đây, “Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam” lần đầu tiên được Bộ NN& PTNT tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối cung - cầu; giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, giá trị sản phẩm cá tra cũng trong chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cá tra của Bộ.
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu khai thác tốt thị trường nội địa với gần 100 triệu dân thì sản lượng tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng, thúc đẩy sản xuất. Hiện sản phẩm cá tra trên thị trường được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá khá hợp lý nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.