(HNM) - Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Đáng chú ý, gắn với nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đây là nội dung rất cần thiết, mang tính quyết định cần được tiếp thu thực hiện ngay.
Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 46,44% kế hoạch. Còn so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân cả nước cũng chỉ đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%). Ngoài các nguyên nhân khách quan như do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả tăng cao...; nguyên nhân chủ quan có vai trò quan trọng như: Vướng mắc thủ tục hành chính, chậm chuẩn bị đầu tư, gặp khó trong giải phóng mặt bằng và tái định cư...
Những nguyên nhân chủ quan này xét cho cùng đều liên đới, ít nhiều có trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp làm chủ đầu tư dự án. Cùng cơ chế, chính sách và khó khăn như nhau, nhưng vẫn luôn xảy ra nghịch lý là nơi đạt kết quả cao, nơi đạt kết quả thấp, thậm chí có nơi không giải ngân được. Trên thực tế, nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng do người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo tiếp dân, đối thoại để giải tỏa khúc mắc; không kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để bố trí nhà tái định cư. Như ghi nhận của UBND thành phố Hà Nội, có cả những trường hợp khâu chuẩn bị đầu tư không kỹ dẫn đến vướng mắc hoặc không giải ngân được vốn theo kế hoạch...
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tính chất ràng buộc, mức chế tài dường như chưa tương xứng nên chưa tạo bước đột phá trong kết quả.
Để cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đối với tiến độ đầu tư công, cần thiết phải gắn với cam kết và công tác đánh giá cán bộ; có tiêu chí, tiêu chuẩn làm căn cứ chấm điểm; thậm chí gắn với công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với những nơi có biểu hiện đùn đẩy, né tránh việc khó, hời hợt, lơ là, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành dẫn đến kết quả yếu kém.
Với quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt hơn 90%, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã sớm chỉ đạo tập trung theo hướng này; các giải pháp thể hiện rõ sự quyết liệt, cụ thể, thiết thực. Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các đơn vị liên quan cuối năm tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp; xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo 6 tổ công tác quyết liệt kiểm tra, đôn đốc; yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân; giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng tới từng chủ đầu tư...
Sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cùng quyết tâm của các địa phương như thành phố Hà Nội, đặc biệt là khi những cán bộ đứng đầu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, tận tâm, tận lực vì việc chung, chắc chắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới sẽ có chuyển biến mạnh, tạo “cú hích” cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.