Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ca sĩ Phúc Tiệp và cuộc dạo chơi gợi mở cảm hứng

Song Nhật| 19/11/2022 13:14

(HNMCT) - Sau thành công tại một số cuộc thi âm nhạc như giành giải Nhì dòng nhạc thính phòng “Sao Mai 2007”, giải Nhì “Tiếng hát thính phòng toàn quốc 2009”…, ca sĩ Phúc Tiệp đã khẳng định vị trí của mình trong dòng nhạc thính phòng. Là giảng viên thuộc khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh không ngừng tìm tòi, làm mới mình để truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

- Là một trong những giọng nam thính phòng hàng đầu hiện nay, gần 20 năm qua Phúc Tiệp bền bỉ theo đuổi tình yêu đối với dòng nhạc bác học, kiên định “giữ lửa” dòng nhạc này trong vai trò giảng viên âm nhạc. Vậy nên, công chúng khá bất ngờ khi thấy anh vừa cho ra mắt album “Vết xưa”, một cuộc chơi với nhạc xưa?

- Dù thành công với dòng nhạc thính phòng song Phúc Tiệp vẫn thấy mình thiếu một điều gì đó để tiệm cận với cộng đồng nghe nhạc. Có lẽ đã tới lúc bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt. Dĩ nhiên, nếu có hát dòng nhạc nào, kết hợp với ai đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải giữ “chất” riêng, phải được là chính mình.

Trước đây, tôi đã nhiều lần thử nghiệm với các dòng nhạc khác cùng với nhạc sĩ Đức Trí, nhạc sĩ Quốc Trung... nhưng kết quả chưa làm tôi hài lòng. Khi tìm tòi làm mới phong cách âm nhạc, tôi nhận ra giọng hát mình chỉn chu về kỹ thuật và tìm thấy cảm xúc thăng hoa ở dòng nhạc thính phòng, nhưng sự tinh tế thì chưa đủ để bén duyên với các dòng nhạc mềm mại khác. Tôi tập cách sống chậm lại, tĩnh hơn. Cùng lúc này, tôi nghĩ đến việc hát nhạc xưa khi tự thấy bản thân đã đủ độ va vấp, trải nghiệm và sẵn sàng thả lỏng mình hơn trong cách hát.

- Nghe “Vết xưa”, nhiều người ngạc nhiên bởi không nghĩ một giọng ca thính phòng khỏe khoắn, hào sảng như anh lại có thể hát được loại nhạc “mềm” thế này?

- Khi hát nhạc thính phòng, tôi như con cá được thả vào nước, thỏa sức bơi lội tung tăng mà không vướng víu bất cứ vấn đề gì. Suốt hơn 20 năm qua, trên sân khấu ở trong và ngoài nước, tôi được thể hiện những tác phẩm đồ sộ của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Mozart, Beethoven... Để thực hiện album này, tôi đã phải tiết chế khoảng 70% chất giọng của mình, giống như một người bình thường có giọng nói hào sảng nhưng giờ đây phải nói nhỏ lại, chậm lại nhưng vẫn đảm bảo tròn vành rõ chữ và giàu cảm xúc. Mặc dù được bạn bè đánh giá là “lột xác” nhưng tôi thấy “Vết xưa” vẫn mang màu sắc riêng; tôi vẫn lồng ghép một chút màu sắc thính phòng vào trong đó, dù chỉ là một vài câu hát mà chỉ cần người nghe tinh ý một chút thì sẽ nhận ra.

- “Vết xưa” quy tụ 9 nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi, nhưng hầu hết lại là những ca khúc ít được biết đến: “Mùa hè đẹp nhất”, “Mùa đông sắp đến”, “Cơn mưa phùn” (Đức Huy), “Căn nhà xưa” (Nguyễn Đình Toàn), “Như chiếc que diêm”, “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng), “Rồi cũng già” (Vũ Thành An)... Nhiều đồng nghiệp của anh, trong đó có ca sĩ Bằng Kiều cho rằng đây thực sự là lựa chọn mạo hiểm?

- Album “Vết xưa” là cuộc chơi âm nhạc, giống như một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục bản thân với nhạc xưa không hề dễ dàng chút nào. Kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này có gì đó khác biệt với số đông. Sau album này, tôi đã nghĩ đến việc hát nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, nhạc Phú Quang... nhưng sẽ chọn hát những bài ít người hát, chưa được phổ biến nhiều nhưng tôi thấy rất hay và đậm chất tự sự.

- Cùng thời điểm ra mắt album “Vết xưa”, anh đã giới thiệu MV “Tôi là người thợ lò” vô cùng đặc biệt. Đây là ca khúc đúng với chất của anh nhưng phần thực hiện MV lại rất mới, rất khó?

- MV “Tôi là người thợ lò” được ghi hình từ năm 2019, khi tôi tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3. Đây là cơ hội cho tôi trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ. Khác với những MV trước đó về ca khúc này - chỉ làm mang tính ước lệ, tôi muốn có một MV chân thực nhất có thể giúp mọi người hiểu rõ về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ. Bạn cứ tưởng tượng, người bình thường mà xuống hầm lò sâu 70 - 80m và ở trong đó chừng 2 - 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên. Nhưng tôi đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày, nhiều khi rơi nước mắt vì thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của họ.

Về phần âm nhạc, đây là một ca khúc “siêu kinh điển” trong kho tàng âm nhạc thính phòng Việt Nam, từng được rất nhiều giọng ca tiền bối và đồng nghiệp cùng thế hệ thể hiện thành công nên tôi phải làm sao “khoác” được chiếc áo mới cho tác phẩm này.

Việc tôi chọn ra mắt cùng lúc album “Vết xưa” và MV “Tôi là người thợ lò” cũng là để tự nhắc mình vẫn là một ca sĩ thính phòng, dù làm gì đó khác biệt thì cuối cùng vẫn cứ mang màu sắc đặc biệt của thính phòng. Giống như cái cây âm nhạc có thể chiết thêm nhiều cành nhưng gốc rễ vẫn cứ là nhạc thính phòng.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca sĩ Phúc Tiệp và cuộc dạo chơi gợi mở cảm hứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.