Văn nghệ

Ca sĩ Nguyễn Hữu Quân: Mang năng lượng tích cực đến mọi người

Mai Đình thực hiện 30/03/2024 - 10:00

Là một người con Hà Nội, Nguyễn Hữu Quân mang trong mình niềm tự hào, tình yêu với nơi “chôn nhau cắt rốn” và thể hiện qua những lời ca, tiếng hát.

Á quân Cuộc thi giọng hát trẻ "Thanh âm Hà Nội" năm 2023 còn là người nhiệt tình tham gia các chuyến công tác nơi đảo xa, biểu diễn âm nhạc tại các bệnh viện, mang lời ca xoa dịu những hoàn cảnh kém may mắn.

huu-quan.jpg

- Hữu Quân thân mến, giải Nhì Cuộc thi giọng hát trẻ "Thanh âm Hà Nội" năm 2023 có lẽ là dấu mốc rất quan trọng trên con đường âm nhạc của bạn?

- Khi tham gia cuộc thi "Thanh âm Hà Nội", tôi chọn hai ca khúc “Bây giờ tháng mấy” và “Hà Nội của tôi” tham dự vòng bán kết. Tôi dành nhiều thời gian để luyện tập và nhờ cô giáo chỉ bảo thêm. Tuy vậy, có một điều không may là trước vòng chung kết, tôi bị viêm họng. Tôi tự nhận thấy phần thi của mình chưa được như mong muốn, nhưng cũng cảm thấy tự hào vì đã cố gắng hết sức trong cuộc thi và dừng chân ở ngôi vị Á quân, hạng mục Ca sĩ hát nhạc nhẹ.

- Nhớ lại một chút về quãng thời gian sinh viên của mình, vì sao khi đang là sinh viên Đại học Y tế Công cộng, Hữu Quân lại “bước thêm” vào con đường nghệ thuật?

- Khi đang học tại Đại học Y tế Công cộng, tôi được tiếp xúc với nhiều anh, chị từng đi học thanh nhạc bên ngoài, chia sẻ cho tôi những kỹ thuật cơ bản của thanh nhạc, cho tôi thêm bài hát để tập luyện. Đây cũng là cơ duyên để tôi tìm hiểu thêm về âm nhạc trong nước cũng như âm nhạc quốc tế. Khi xem các nghệ sĩ trình diễn, tôi cũng khao khát được đứng trên sân khấu, được sự chào đón, cổ vũ của mọi người. Tôi cảm nhận đó là năng lượng tích cực mà người nghệ sĩ có thể mang đến cho cuộc đời này. Đó cũng là động lực cho tôi chọn Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường nghệ thuật.

- 3 năm ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chắc chắn sẽ có thêm những điều mới được vỡ ra với âm nhạc. Trên con đường ấy, ai là người đã truyền tình yêu âm nhạc cho Hữu Quân?

- Khi vào trường, có nhiều thầy cô giáo đã dạy dỗ, chỉ bảo cho chúng tôi, đặc biệt là cô Nguyễn Anh Đào, giảng viên khoa Thanh nhạc. Tôi may mắn được cô nhận là học trò. Môi trường nghệ thuật đòi hỏi những giờ học, rèn luyện rất khắt khe. Để trở thành nghệ sĩ đứng trên sân khấu, bạn không chỉ là người hát hay mà còn là người biết cách ứng xử, phải xây dựng hình ảnh… Vì thế, bên cạnh việc giảng dạy chuyên môn, cô Anh Đào đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về cách sống, cách ứng xử, đặt ra những mục tiêu cụ thể với con đường mà mình đang đi. Hơn nữa, sự đào thải trong quá trình học cũng là một áp lực, bởi số lượng sinh viên ra trường và theo đuổi ước mơ không nhiều.

- Năm 2023, Hữu Quân đã có chuyến công tác ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi luôn là một hành trình đáng nhớ, đặc biệt tới những vùng biên giới, hải đảo xa xôi?

- Đây là chuyến công tác mà Hữu Quân đã khao khát từ lâu, đặc biệt khi được nghe những câu chuyện kể của cô giáo, các anh chị đã từng đến Trường Sa, vô cùng thiêng liêng, chan chứa tình cảm của các chiến sĩ. Hành trang tôi mang theo có những ca khúc về biển đảo, về Bác, ca khúc nhạc trẻ sôi động để gửi tới các chiến sĩ. Có rất nhiều câu chuyện xúc động chúng tôi đã trải qua hay được chứng kiến.

Tới mỗi đảo, chúng tôi đều có những “món quà tinh thần” là lời ca, tiếng hát gửi đến các chiến sĩ. Khi tới nhà giàn DK1, do sóng quá lớn, chúng tôi không thể nào lên được. Chúng tôi đã gọi bộ đàm, hát qua bộ đàm. Khi nghe được giọng nói của các chiến sĩ trên nhà giàn, ai nấy đều rơi nước mắt, xen lẫn sự nuối tiếc khi đã đến được nơi này nhưng không thể lên gặp các anh. Chúng tôi đã hát những ca khúc về Tổ quốc, về biển đảo qua bộ đàm, không một bài nào hoàn chỉnh bởi tiếng hát xen lẫn tiếng khóc, nước mắt cứ tuôn rơi đến nghẹn lời. Các chiến sĩ cũng gửi đến chúng tôi những bài hát rất xúc động! Khi rời đi, chúng tôi vẫn ra mạn tàu để hát và cố hát thật to, vẫy tay chào tạm biệt các anh. Tận khi hình ảnh nhà giàn DK1 xa dần trên biển cả mênh mông, chúng tôi mới tạm nghỉ ngơi. Trở về Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức những buổi giao lưu, cung cấp tư liệu cho các sinh viên trẻ hiểu hơn về biển đảo nước nhà, cùng xem những bức tranh, xem video biểu diễn của các nghệ sĩ tại Trường Sa, để các bạn thêm yêu đất nước mình.

- Tôi được biết Hữu Quân cũng là thành viên tích cực tham gia các chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện. Đây là một phong trào cần sự góp sức của mọi người, đặc biệt là các nghệ sĩ để mang niềm vui đến người bệnh.

- Hôm 21-3 vừa qua, chúng tôi có một chương trình biểu diễn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Có một nữ bệnh nhân chia sẻ rằng chị muốn song ca cùng tôi một bài hát. Tôi đã chọn ca khúc “Im lặng đêm Hà Nội” của nhạc sĩ Phú Quang để hát cùng chị. Khi hát xong lời 1, tôi ra sau cánh gà và chiếu clip của chị để truyền cảm hứng cho khán giả, đặc biệt là các bệnh nhân đang chữa trị ở đó. Chị đã hát phiêu hơn rất nhiều so với lúc chúng tôi tập luyện. Những tràng vỗ tay rất lâu của khán giả khiến tôi có cảm giác như được “hưởng” ánh hào quang của nữ bệnh nhân đó. Âm nhạc có sức mạnh tinh thần rất lớn, xoa dịu đi những nỗi đau, sự mất mát và cả những lo lắng thường ngày mà bệnh nhân phải đối diện. Đó chính là động lực để tôi tích cực tham gia chương trình.

- Trân trọng cảm ơn ca sĩ Nguyễn Hữu Quân!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ca sĩ Nguyễn Hữu Quân: Mang năng lượng tích cực đến mọi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.