(HNMCT) - Nhiều người thừa nhận, khi nghe giai điệu và ca từ của ca khúc “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” (còn được công chúng biết đến với cái tên "Nhớ tuổi thơ Hà Nội") họ như được gặp lại cố nhân. Đặc biệt, dù đã nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc nổi tiếng này của nhạc sĩ Nguyễn Cường nhưng có lẽ chưa ai vượt qua được Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Chính, một người sinh ra, lớn lên tại khu phố cổ Hà Nội.
1. Gặp ca sĩ Đức Chính trong những ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách, tôi thấy mừng vì ông trông vẫn trẻ trung so với tuổi 64. Với phom người cao to, trắng trẻo, ông gây ấn tượng bởi sự chân thành, cởi mở, gần gũi, thân thiện. Hiện nay, dù đã chuyển về sống tại một ngõ ở phố Nguyễn Thái Học, thế nhưng những kỷ niệm với phố Hàng Bạc - nơi ông sinh ra, lớn lên cùng với cửa hàng kim khí của gia đình - vẫn luôn đầy ắp trong ông. Đó còn là con phố mà ông đã cùng lớn lên và có biết bao kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Cường, để rồi “chàng nhạc sĩ cao bồi” đã “dành tặng” cho ông đứa con tinh thần tràn đầy cảm xúc là “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”.
Tìm kiếm cụm từ “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” trên mạng xã hội YouTube sẽ ra hàng loạt MV do Đức Chính thể hiện, với những comment đầy ngưỡng mộ: “Bài này chỉ dành cho Đức Chính”, có người cảm thán: “Nhớ tuổi thơ Hà Nội quá!”... Quả thật, “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” là bài hát đã "đóng đinh" tên tuổi của Đức Chính trong lòng công chúng, và ở chiều ngược lại, nhờ Đức Chính mà "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội" trở thành một ca khúc "đi cùng năm tháng".
Năm tháng trôi đi, các lứa “tuổi thơ Hà Nội” dù đã trưởng thành và bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, thậm chí có thể phải xa Thủ đô yêu dấu, thế nhưng rất nhiều trong số đó thừa nhận rằng giai điệu da diết của "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội" qua giọng ca mượt mà của Đức Chính đã khiến tâm hồn họ thổn thức, có cảm giác như cả "bầu trời ký ức" được đánh thức, ùa về mỗi khi nghe lại ca khúc này.
Dù cách nhau đến 14 tuổi nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Đức Chính rất hợp nhau, chơi thân như anh em trong nhà. Không chỉ đồng điệu trong âm nhạc mà họ còn có chung sở thích la cà ở một quán cà phê nào đó hay tản bộ thể dục, ngắm cảnh Thủ đô lung linh ánh đèn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong... Đó cũng là những chất liệu mà “cặp bài trùng” này làm nên một “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” sâu lắng, da diết trong lòng công chúng yêu nhạc Thủ đô.
2. Sở hữu giọng nam cao trữ tình, bởi thế sau sự thành công của “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”, Đức Chính đã tiếp tục hát và ghi dấu ấn với một số ca khúc về Hà Nội, trong đó có “Cảm xúc tháng Mười” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên. Bài hát nói về đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô cách đây 67 năm và cũng là ca khúc mà NSƯT Kiều Hưng thể hiện thành công, nhưng rồi chính người thầy đáng kính ấy đã nhận xét với người học trò Đức Chính của mình rằng: “Có nhiều chỗ cậu hát hay hơn tớ”.
Không chỉ bộc lộ khả năng ca hát, Đức Chính còn phát lộ năng khiếu sáng tác. Và đương nhiên, với người yêu Hà Nội như Đức Chính, ông luôn đặc biệt quan tâm sáng tác về Thủ đô yêu dấu, trong đó có bài hát “Xa Hà Nội” (thơ Sĩ Tứ) với lời ca như “rút ruột, rút gan”: “Khi anh vui, anh không quên Hà Nội/ Khi anh buồn Hà Nội ở bên anh/ Hà Nội của anh là cả mùa xuân/ Sưởi nắng ấm, khi cõi lòng anh lạnh”. Bài hát thể hiện sự nuối tiếc tất cả những gì đẹp đẽ đã qua. “Là người hoài cổ, nhớ lại những gì rất... Hà Nội, những điều in hằn trong ký ức mà không trở lại được khiến tôi rất bâng khuâng. Nó làm nên con người, tình cảm, phong cách của tôi trong thể hiện các ca khúc” - ông chia sẻ.
Cách đây 10 năm, NSƯT Đức Chính ra mắt album “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” với những ca khúc phản ánh giai đoạn từ năm 1954, khi Thủ đô rực rỡ cờ hoa chào đón đoàn quân giải phóng, cho đến nay. “Đó là cảm thức về những ngày vui, những năm tháng độc lập đầu tiên của một nửa đất nước. Không gian tái hiện cảm xúc là sự đan xen giữa những kỷ niệm của quá khứ và hiện tại, của Hà Nội xưa và Hà Nội sau ngày hòa bình được lập lại cho đến nay. Và tôi đã cố gắng lưu giữ những gì đặc trưng nhất của con người Hà Nội, của những sinh hoạt cũng như tình cảm con người Hà Nội trong album này, nghệ sĩ Đức Chính bộc bạch.
3. Trước khi trở thành diễn viên Đoàn văn công Quân chủng Phòng không (nay là Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân), Đức Chính đã có mấy năm trong quân ngũ, thuộc biên chế của một đơn vị phòng không có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô. “Trong một lần thăm nhà truyền thống của Sư đoàn, tôi được nghe chuyện năm 1968 Bác Hồ về thăm đơn vị ở ngoại thành Hà Nội. Bác hỏi các chiến sĩ: “Đội mũ sắt giữa ngày hè có nóng không?”, rồi Người dặn: Bắn trúng mục tiêu, càng tốn ít đạn càng tốt, mỗi quả đạn là mấy tạ thóc của nhân dân. Sau đó Bác chia thuốc lá, chia bánh kẹo và trồng cây đào tại khuôn viên đơn vị. Năm sau, Bác Hồ mất, các chiến sĩ quây quần bên cây đào nhớ thương Người... Vì thế, tôi đã sáng tác ca khúc đầu tay “Kỷ niệm không quên” lấy cảm hứng từ kỷ niệm Bác Hồ về thăm đơn vị, sau này trở thành bài hát truyền thống của Quân chủng Phòng không - Không quân" - nghệ sĩ Đức Chính chia sẻ.
Sau khi ra đời, “Kỷ niệm không quên” đã được công chúng biết đến rộng rãi qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bởi tiếng hát của NSƯT Kiều Hưng. Và bài hát này cũng chính là cơ duyên để Đức Chính được thầy Kiều Hưng nhận dạy khi ông thi vào khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Phát huy khả năng sáng tác, năm 1990, khi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông tiếp tục theo học khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội. Khi truyền hình bắt đầu vào thời kỳ nở rộ, ông là một trong những giọng ca biểu diễn trên truyền hình nhiều nhất.
4. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng NSƯT Đức Chính vẫn miệt mài dạy học tại nhà cho những người cao tuổi có đam mê ca hát để họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Quan điểm của ông là muốn họ nâng cao trình độ để tiếp cận gần hơn với lối hát chuyên nghiệp. “Để có thể hiểu đúng về âm nhạc, biết thưởng thức âm nhạc, họ tìm đến những nghệ sĩ như tôi để trao đổi, bày tỏ mong muốn được học hát, học những vấn đề liên quan lý luận âm nhạc. Tôi không dạy truyền khẩu, dạy một vài bài tủ làm vốn, mà dạy hát kết hợp với nhạc lý cơ bản, phân tích tác phẩm ở mức độ cô đọng, dễ hiểu, thiết thực, cụ thể với từng bài hát”, ông nhấn mạnh.
NSƯT Đức Chính không giấu niềm tự hào khi nói về hai cô con gái giỏi giang, trong đó có cô con gái lớn đã lặng lẽ đèn sách suốt gần 2 năm qua trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành để đầu tháng 8 vừa qua nhận được học bổng cao học tại Pháp. Và từ câu chuyện riêng của mình, ông bày tỏ mong muốn cũng như nhắn nhủ với người Hà Nội hôm nay, nhất là giới trẻ phải làm sao giữ được truyền thống, phẩm chất cao đẹp của con người và mảnh đất nghìn năm văn hiến, để dù ở đâu cũng luôn tự hào ngân vang lời ca: “Dáng hiền từ, bà tôi/ Dắt tôi trong chiều nghiêng/ Mãi mãi chuyện thần tiên/ Đất Thăng Long hùng thiêng...”.
Nhạc sĩ, ca sĩ Đức Chính (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Chính) sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông từng công tác tại Đoàn văn công Phòng không, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ông đã giành Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1979; Huy chương Vàng Hội diễn ca khúc chính trị toàn quốc năm 1980; giải Người hát hay nhất về Hà Nội (Hội diễn đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ I - năm 1988); giải thưởng thường niên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 2001, 2002, 2004, 2008, 2013)...
Ngoài thể hiện rất thành công các ca khúc "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội", "Cảm xúc tháng Mười", ông còn để lại ấn tượng trong lòng khán thính giả với "Hoa sữa", "Dòng sông quê em, dòng sông quê anh", "Tình ca Tây Bắc", "Đường chúng ta đi"... Ông có một số sáng tác nổi bật như "Kỷ niệm không quên", “Nhớ quê”, “Đất nước huyền thoại”, “Việt Nam chân trời rộng mở”... Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.