(HNMCT) - Ồn ào nhất trong những ngày Tết vừa qua có lẽ phải kể đến chuyện “vạ miệng” của nghệ sĩ Xuân Bắc. Sau khi đăng tải một câu chuyện được cho là “ngụ ngôn hiện đại” có tựa đề “Cái tát của mẹ” trên trang facebook cá nhân, nam nghệ sĩ đã khiến dư luận "nổi sóng" cho rằng anh đang bóng gió “mắng” những khán giả "cả gan" chê chương trình "Gặp nhau cuối năm", hay còn gọi là "Táo quân 2023". Trước sức ép của dư luận, nam nghệ sĩ đã lên tiếng xin lỗi vì bài viết khiến một số khán giả hiểu lầm, tuy nhiên anh không gỡ bài viết trên trang cá nhân của mình.
Trong câu chuyện gây ồn ào này, có thể thấy rõ trong dư luận có hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng Xuân Bắc cố tình “mắng” khán giả nên phản ứng rất gay gắt, thậm chí nhiều người còn đòi cơ quan quản lý xử lý nghệ sĩ vì coi thường khán giả. Một bên thì cho rằng lý luận như thế là suy diễn, là tự “vơ vào” bởi chẳng có câu nào trong bài của Xuân Bắc trực tiếp “mắng” khán giả hay nói đến việc khen, chê chương trình Táo quân. Bên nào cũng có cái lý riêng! Thế nên mới có chuyện một bên là một số nhà văn hóa, khán giả gay gắt đòi “xử lý”, cho rằng Xuân Bắc xin lỗi mà không gỡ bài là “không được đâu”; còn một bên, trong đó có người là nhà quản lý văn hóa, đề nghị khán giả “có cái nhìn nhân ái” với nghệ sĩ vì không tìm thấy cơ sở để xử phạt...
Nhưng dù là đứng ở “lý” nào thì cũng có thể thấy rằng phát ngôn ấy đã làm “mẻ đi một tý cái tình” của khán giả dành cho nghệ sĩ! Và đó mới là điều đáng nói. Có những chương trình mà người ta xem, ủng hộ hết mình chỉ vì có nghệ sĩ mình yêu mến, khi ấy thì "muôn vàn cái lý cũng thua một tý cái tình", nhưng “một tý cái tình” khi đã “sứt mẻ” thì như bát nước đã hất đi rồi! Thiết nghĩ đó mới là bài học, chứ không phải chỉ là chuyện câu chữ tán ra hay vơ vào!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.